Cho rằng người phụ nữ đẻ sinh đôi là do bị ma ám, là bị Yàng phạt, sinh ba lại càng kinh hoàng hơn, nên sau những đứa trẻ vô tội chào đời trong hoàn cảnh này chưa kịp bú mẹ đã bị dân làng kéo đến mang đi chôn sống để tránh tai họa.
Oan nghiệt hủ tục
Người J’rai ở Gia Lai quan niệm rằng, chỉ có người phụ nữ bị ma ám, bị trời phạt nên mới đẻ sinh đôi. Còn “chẳng may” sinh 3 thì quả thật đó là một sự ghê rợn, gây nỗi kinh hoàng với người dân trong làng. Những đứa trẻ thấy mặt trời sau (em song sinh) sống sẽ là mầm mống gây tai họa cho cha mẹ và bà con… Và để diệt trừ “tai họa” đó, anh em họ hàng và người dân trong làng sẽ kéo đến mang đứa bé vào rừng chôn sống để “con ma” không còn biết đường quay về làng gây họa.
Chưa hết đau đớn khi nhớ lại câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn một thập niên, già làng Ksor H’Blâm (67 tuổi, làng Kông, xã Ia Mơr, Chư Prông) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đau lòng về 2 đứa con gái sinh đôi của vợ chồng Rơ Mah Pheac. Khi Pheac mang bầu thì cái bụng của chị hơi to “bất thường” nên luôn được lũ làng dõi ánh mắt ngờ vực theo Pheac. Và đúng như vậy, Pheac đã đẻ một lúc đến… 2 đứa con gái!
Không còn gì để bàn cải nữa, Pheac đã bị ma ám, bị Yàng phạt nên mới sinh đẻ “kì dị” như vậy. Và chắc chắn rằng đứa trẻ vừa trong bụng Pheac chui ra sẽ mang tai họa đến cho dân làng và cả cha mẹ chúng nữa. Nghĩ vậy, nên lũ làng đã kéo đến bế cô bé thấy mặt trời sau (em song sinh) mang vào rừng chôn sống, để cho “con ma” không còn biết đường quay về nữa!
Già làng H\'Blâm đau xót kể cho chúng tôi nghe về hủ tục đầy rùng rợn của đồng bào mình.
Theo già H’Blâm, chuyện đứa con của Pheac chỉ là một trong những câu chuyện đau lòng đã xảy ra ở xã biên giới Ia Mơr. Bởi từ khi già sinh ra đến nay, đã có hàng chục đứa trẻ vô tội chỉ vì thấy mặt trời sau người anh hoặc chị song sinh của mình một chút, mà phải rời bỏ cuộc đời khi chưa kịp được thưởng thức giọt sữa mẹ. Cũng chỉ bởi cái hủ tục oan nghiệt đã ăn sâu vào tâm thức của bà con nơi đây.
“Trước đây, trong xã đã có hàng chục đứa trẻ mới ra đời đã bị mang đi chôn sống chỉ vì sự thiếu hiểu biết của bà con. Không chỉ những đứa trẻ sinh đôi bị giết chết, mà có những gia đình do quá đông con, nhưng họ không biết kế hoạch hóa gia đình nên vẫn cứ đẻ, và những đứa đẻ sau thì bị cha mẹ lén lút mang đi chôn sống vì sợ không nuôi được”, già làng H’Blâm chua xót nói về hủ tục của đồng bào mình.
2 đứa trẻ… tiêu diệt hủ tục
Cách đây 12 năm, đang bận công việc thì già H’Blâm giật mình nghe tin người dân ở làng Klă bên cạnh đang kéo nhau đến chỗ người mẹ mới lâm bồn là chị Rơ Châm Thon vừa hạ sinh 2 đứa con trai, để đòi đứa bé sinh sau mang vào rừng chôn sống. Ngay lập tức, già H’Blâm liền chạy đến báo với Trưởng công an xã lúc bấy giờ là ông Ksor Hoài đến can ngăn. May mắn, khi 2 người này đến nơi thì đứa bé vô tội vẫn còn khóc ré trong bàn tay người mẹ mà vẫn chưa bị dân làng lấy đi.
Bằng mọi cách, già H’Blâm và ông Hoài đã thuyết phục và tuyên truyền cho hàng trăm con người đang “nung nấu” ý định chôn sống đứa bé, để họ từ bỏ việc làm sai trái của mình. Sau cả buổi nói chuyện, dân làng đã chịu ra về và để cho đứa bé sống.
Cặp song sinh này được vợ chồng chị Thon đặt tên là Rơ Châm Phót và cậu em suýt mất mạng là Rơ Châm Phét. Hiện cả 2 đang sống rất khỏe mạnh, ngoan ngoãn và học lớp 6, trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Mơr). Không chỉ vậy, Phót còn là một trong những học sinh có học lực rất tốt của trường và được chọn đi học ở trường nội trú của huyện, nhưng vì em trai không được đi nên Phót cũng không chịu đi vì rất thương em. “Mình rất tự hào vì con mình, may mắn lúc đó con mình đã được cứu sống nên bây giờ vợ chồng mình mới không ân hận”, chị Thon cười nói.
2 cậu bé Phót và Phét (thứ 2, 3 từ trái sang) may mắn được cứu sống và cũng là người "chặt đứt" hủ tục của người đồng bào mình.
Cũng là một trong ít người may mắn có con được cứu, chị Siu Klơng (thôn Dơ Bang, xã Ia Bang, Chư Prông) nhìn đứa con gái song sinh suýt mất mạng vì hủ tục kể cho chúng tôi nghe: Cách đây hơn 1 năm, chị Klơng chuyển dạ hạ sinh đứa con thứ 2. Anh em họ hàng vợ chồng chị Klơng liền tập chung đến nhà cúng bái ăn mừng, vì chị Klơng hạ sinh được con gái (theo chế độ mẫu hệ của người J’rai thì con gái như là tài sản quý trong gia đình).
Nhưng chuyện không hay đã xảy ra khi ngày hôm sau bụng chị Klơng vẫn còn đau và băng huyết liên tục. Sau khi được đưa người nhà tới bệnh viện huyện Chư Prông, các bác sĩ đã lấy từ trong bụng Klơng ra một bé gái nữa. Ngay lập tức, mẹ chồng chị Klơng liền về nhà báo tin cho họ hàng và dân làng chuyện “kinh dị” trên. Khiến người dân vô cùng lo lắng vì nghĩ rằng tai họa sắp ập xuống làng, trong đầu họ luôn nung nấu một ý nghĩ phải chôn sống đứa bé thấy mặt trời sau này.
Khi sức khỏe của 2 mẹ con chị Klơng đã ổn định, chị liền bế con về làng thì gặp ngay làn sóng hung dữ của họ hàng bên chồng và dân làng. Họ cùng nhau kéo đến nhà Klơng để đòi đứa bé mang đi chôn sống. Mẹ con Klơng đang trong cơn hoảng loạn, và chị cũng bắt đầu xuôi lòng giao con cho dân làng thì chính quyền xã, huyện xuất hiện ngăn cản và ra sức tuyên truyền cho mọi người hiểu rằng, sinh 2 là chuyện bình thường chứ không phải là ma quỷ gì ám hại cả.
2 cô bé khỏe mạnh con chị Klơng đang bú mẹ ngon lành sau những ngày "giông tố" mà các cô bé không hề hay biết.
Sau một hồi dùng mọi biện pháp tuyên truyền, giảng giải, cuối cùng lần đầu tiên trong làng Dơ Bang, một cô bé thấy mặt trời sau chị gái mình đã thoát khỏi “án” tử thần man rợ do nhận thức hạn chế của đồng bào mình.
Ông Siu Íp - Trưởng thôn Dơ Bang - cho biết: “Từ trước đến nay, dân làng rất sợ những đứa trẻ song sinh, vì cho rằng chúng không phải người bình thường nên sẽ mang tai họa đến với mọi người. Chuyện của mẹ con Klơng là trường hợp đầu tiên được cứu sống, từ trước đến nay chưa có bao giờ xảy ra chuyện như vậy. Nhưng bây giờ nhìn 2 chị em song sinh đó sống khỏe mạnh, dân làng chúng tôi rất yên tâm và vui vẻ. Nếu có ai sinh 2 đứa con một lúc như vậy chúng tôi sẽ không kéo đến đòi đứa trẻ mang đi nữa”.
Chuyện 2 cặp song sinh trên được cứu và sống khỏe mạnh, nó không chỉ là niềm vui với gia đình và bản thân các em. Mà chính sự sống của em đã “chặt đứt” những hủ tục đã ăn sâu vào tâm thức của người dân 2 xã này từ bao đời nay, và cứu được những đứa trẻ song sinh khác trong thôn, xã. “Từ khi 2 anh em Phót và Phét được cứu sống đến nay, ở xã không còn chuyện chôn sống trẻ em nữa”, già H’Blâm vui mừng nói.
Tuy vậy, nhưng đó chỉ là chuyện đáng vui ở Ia Mơr và Ia Bang, còn ở những xã vùng sâu khác thì những câu chuyện về đau lòng về hủ tục trên vẫn có thể đang âm ỉ tồn tại!
Theo Dân Trí