(GDVN) - “Sống ở bãi giữa sông Hồng này, tôi gặp chuyện chết chóc diễn ra như cơm bữa, không chỉ có những người nhảy cầu tự tử, mà có người đi tắm rồi không may đuối nước cũng chết…”.
“Hành nghề” vớt xác do… số mệnh
Trong căn nhà lá của ông Được “đen”, gọi là nhà cho oai thôi chứ người dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng vẫn quen gọi “nhà” kiểu này là cái “phao”, gọi như vậy là vì nó nổi lềnh bềnh trên mặt nước quanh năm ngày tháng, những câu chuyện đau lòng nhưng không kém phần đặc dị của ông Được về cái “nghề” vớt xác người chết và cứu cả người sống của ông vẫn chưa kết thúc…
Vừa vo được một bi thuốc lào, ông Được “đen” vừa dùng bàn tay đen nhánh lấy chiếc điếu cày rít một hơi dài để “lấy hơi”… kể tiếp:
“Hôm đó, vào đầu giờ chiều một ngày mùa hè, cậu trai nhỏ tuổi, lúc đó khoảng 12 tuổi gì đấy, đi chơi cùng lũ bạn rồi xuống tắm sông, không may tụt xuống hố hút cát rồi chìm sâu trong lòng nước đang chảy rất xiết chết đuối. Lũ bạn của cậu bé lúc đó còn quá nhỏ nên không biết gì, đến khi người lớn biết thì đã quá muộn. Gia đình biết đã cho tìm kiếm cả đêm, thuê người ngụp lặn khắp sông Hồng, rồi dùng thuyền tìm kiếm nhưng không thấy.
Như linh tính mách bảo thế nào khi tham gia tìm kiếm cháu bé, 4 giờ sáng hôm đó, tôi bất chợt tỉnh giấc dù cho vừa mới chỉ chợp mắt sau khi cả đêm không ngủ. Có lẽ do tôi quá nóng lòng tìm thằng bé vì không hiểu sao tôi cứ đinh ninh cháu nó vẫn còn nằm dưới đó chờ người đến vớt. Quả nhiên, khi tôi chèo thuyền ra đoạn cậu bé bị chết đuối. Khi tôi vừa đi ra phía đầu thuyền thì đột nhiên thấy đầu cậu bế nhô lên khỏi mặt nước làm tôi giật bắn. Lấy lại bình tĩnh rất nhanh, tôi nhìn kỹ thì đúng là xác một đứa bé thật”.
Ông Được trầm ngâm kể về những "ca" vớt xác của mình.
Không bị hoảng sợ đến mức rùng mình như cô gái có thai chết trôi ở đoạn sông đi qua Thái Bình đã trương phình, thối rữa, cậu bé chết đuối ông Được vớt lại khiến ông ám ảnh bởi đứa bé còn quá nhỏ, sau khi trương phình lên không ai có thể cầm nổi nước mắt vì hình hài của cháu bé đã bị biến đổi quá đáng sợ.
“Những người bị chết đuối ở đoạn bãi giữa sông Hồng, nếu vớt được xác lên ngay thì gia đình thường phải làm lễ để “câu hồn” người chết về. Không hiểu vì lý do gì, ngay sau khi làm lễ ở đúng chỗ cậu bé chết đuối, quanh bàn thờ bỗng xuất hiện một con bướm rất to và đẹp. Nó cứ rập rờn quanh khu cậu bé chết đuối.
Tuy nhiên, từ hôm đó trở đi cứ 12 giờ trưa, tôi lại thắp cho cháu bé mấy nén nhang mong cho linh hồn cháu sớm siêu thoát. Ban đêm, gần chỗ cháu bé bị chết đuối hôm nào, cũng có một con đom đóm rất to và sáng. Mãi đến hôm nước lũ lên cao, ngập cả cái bãi đất trống gần bờ thì sau hôm đó, tôi không còn thấy nó nữa…”.
Nhấp ngụm nước trà, ông Được “đen” hướng đôi mắt đen láy nhìn về phía bãi lau cao ngợp đầu người có dòng nước sông Hồng chảy rất xiết cũng là nơi cậu bé đã mãi mãi ra đi, trầm ngâm: “Không hiểu sao, linh tính của tôi luôn rất chuẩn xác. Đặc biệt với những lần đi tìm vớt xác người chết trôi dạt về đây hoặc bị chết đuối. Có lẽ đó là số phận của tôi rồi. Khi nghe tin có người chết đuối dù rất mệt nhưng tôi vẫn sẵn sàng tìm đủ mọi cách để có thể tìm được những nạn nhân. Tôi chỉ tự nhắc mình rằng, mình làm phúc để cứu người hoặc dù người đã chết cũng phải đưa họ vào bờ làm một phần mộ để họ có thể yên nghỉ. Làm việc tốt thì không có gì phải sợ cả”.
Cứu người còn bị… mắng
Bên cạnh việc vớt xác người chết trôi trên sông Hồng rồi lại tự tay đưa về an táng ở giữa bãi nếu người nhà không đến nhận, ông Được còn cứu không biết bao nhiêu mạng người. Tuy nhiên, nhiều trường hợp ông còn bị chính nạn nhân… “mắng” vì… “thừa hơi” đi cứu họ.
“Vào một đêm mưa gió mùa đông, trời rét căm căm, nếu tôi không nhầm đó là năm rét nhất của miền Bắc trong những năm gần đây. Cái lạnh cắt da cắt thịt ở bãi giữa đến mức chỉ cần đụng vào nước lã không thôi đã co mình lại vì lạnh vậy mà vẫn có một đôi nam nữ trẻ tuổi không hiểu vì lý do gì có thể nắm tay nhau nhảy từ trên cầu Long Biên xuống dòng sông lạnh buốt để tự vẫn. Hôm đó vào khoảng 9 giờ tối, khi tôi vừa ăn xong bữa cơm tối thì nghe thấy những tiếng kêu cứu rất thảm thiết phía cầu Long Biên. Mặc dù trời rất rét nhưng tôi vội chèo chiếc thuyền nan ra giữa dòng nước sông Hồng đen kịt đang cuồn cuộn chảy xiết.
Sau khi ra đến nơi và biết chuyện có đôi nhảy cầu tự vẫn ngay trước mặt mình, trên người tôi còn nguyên bộ quần áo rét phi thẳng xuống sông chỗ đôi bạn trẻ đang ngụp lặn sắp chết đuối. Rất may là tôi tóm được cả hai trong tình trạng ngoi ngóp. Chỉ chậm chút nữa thôi là cả hai đều mất mạng vì nước quá lạnh và uống no nước. Tuy nhiên, khi đưa cả hai vào bờ, có lẽ cả cuộc đời làm cái nghề dị biệt này của tôi cũng không thể tưởng tượng ra được. Cậu con trai mặt búng ra sữa vừa được vớt lên bờ vẫn đang sặc sụa nước rét run cầm cập vẫn cố vùng vằng… mắng tôi: “Sao ông lại cứu bọn tôi làm gì hả? Để cho bọn tôi được chết”. Quả thực tôi vừa giận vừa thương và không hiểu nổi thanh niên thời nay thế nào nữa”, ông Được tâm sự.
"Hà Bá" sông Hồng đã từng "mất miếng cơm" với ông Được "đen" không biết bao nhiêu lần.
Trong số rất nhiều lần cứu người từ “miệng Hà Bá” sông Hồng, cũng có khi ông Được “đen” lực bất tòng tâm:
“Có những vụ tự tử thật sự rất đau lòng vì nó xuất phát từ những lý do cỏn con, cuối cùng hai vợ chồng trẻ một người đã mãi mãi ra đi dưới lòng sông Hồng. Lần đó, tôi hay tin có hai vợ chồng trẻ đang ngồi tâm sự trên cầu bất ngờ tự tử. Người chồng nghi ngờ vợ dan díu với người bạn thân, cô vợ giải thích không được liền nhảy xuống sông tự vẫn. Hoảng hốt quá, người chồng cũng nhảy theo cứu vợ nhưng khổ nỗi, ông chồng chỉ biết nghi ngờ chứ không… biết bơi. Tôi lao xuống dòng sông Hồng để giành giật “miếng cơm” của Hà Bá rất nhanh. Bất chấp lúc đó dòng nước lên cao, chảy xiết rất nguy hiểm, tôi cố gắng mãi mới có thể cứu được ông chồng, còn người vợ cứ thế chìm theo dòng nước lớn vào “miệng Hà Bá”. Phải đến ba ngày sau, tôi mới tìm được xác của người vợ lúc đó đã trương phình lên và phân hủy rồi. Người chồng khóc ngất khi đến nhận xác vợ nhưng tất cả đã là quá muộn…Nghe nói sau đó, người chồng đã bị tâm thần”.
Những trường hợp khiến người có “thần kinh thép” như ông Được phải sợ hãi trong suốt quá trình “hành nghề” vớt xác không nhiều nhưng những ám ảnh của mỗi “ca” vớt xác lại hoàn toàn khác nhau và nó vẫn lưu giữ trong đầu ông như những ký ức đau buồn về cuộc sống.
“Mỗi khi vớt được xác người chết trôi hay cứu sống được mạng người nào đó, tôi thường sửa soạn một mâm xôi, con gà rồi đem ra giữa dòng sông thả xuống đó để “cúng” ông Hà Bá với mong muốn “bù đắp” lại cho Hà Bá “miếng mồi ” mà tôi đã lấy đi. Có lẽ “Thủy thần” ở sông Hồng cũng “thương tình” mà để tôi vẫn có thể cứu người đến tận giờ này. Giá mà những người tự tử có thể hiểu được rằng rất nhiều người mong có được cuộc sống bình thường như họ đến nhường nào nhưng không được, tại sao họ lại có thể tự “tước đoạt” đi cuộc sống của chính mình như vậy???”.
Hoàng Lâm - Trọng Trinh