Từ một phụ nữ vui vẻ, hay chuyện trò, chị trở thành ít nói, ít quan tâm đến chồng, dồn tình cảm vào hai đứa con gái.
Với chị, anh là người chồng tuyệt vời nếu như không có thói thù dai. Mỗi khi, có điều gì không bằng lòng là anh im lặng một thời gian dài để gây sự chú ý cho vợ. Rồi sau đó thể nào anh cũng tìm một thời điểm thích hợp, tỏ thái độ trang trọng, mời chị ngồi và bắt đầu bằng những câu chuyện từ xa xưa.
Chẳng hạn, anh cưới chị là do tình yêu nhưng ngay ngày cưới chị đã ngủ với bà cô ruột từ xa đến dự cưới, như vậy là coi thường chính ngày vui trọng đại của mình và ngay từ hồi đó anh đã biết là chị loại người gặp chăng hay chớ song phải chấp nhận.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Dần dần, anh mới kể đến thái độ ứng xử của chị với mẹ chồng (dẫu cụ đã mất từ lâu) rồi dẫn chứng chuyện chị tỏ sự coi thường chồng trong một chuyến đi đã tót lên xe máy của người khác dù chồng ngay cạnh…
Chán chê mê mỏi rồi mới đến cái chuyện gần nhất khiến anh giận chị. Kết thúc, bao giờ anh cũng tự vạch ra “chương trình hành động” cho riêng mình, ví dụ như sẽ không bao giờ đi cùng chị nữa, trừ trường hợp đặc biệt.
Mà anh thì giận chị rất nhiều, đôi khi chỉ vì những lý do nhỏ nhặt như để chồng chờ cơm quá lâu mà không báo. Rồi im lặng kéo dài, rồi một buổi nói chuyện trang trọng, rồi dẫn ra chuyện xưa, tích cũ, rồi tự nêu lên thái độ ứng xử tiếp theo của mình.
Cái điệp khúc ấy cứ lặp đi, lặp lại mãi khiến chị phát chán. Đầu tiên thì chị sợ, tìm cách thanh minh, lâu dần đâm quen, chị bảo anh muốn làm gì thì làm, còn chị chẳng có lỗi gì cả. Bây giờ thì chị chọn cách im lặng, anh cứ nói và chị lơ đãng nghe, nghe xong chả nhớ gì nữa và cuộc sống cứ bình thản trôi đi, hết giận lại lành.
Dẫu sao, cái cách dạy vợ của anh cũng mang lại một hiệu ứng. Từ một phụ nữ vui vẻ, hay chuyện trò, chị trở thành ít nói, ít quan tâm đến chồng, dồn tình cảm vào hai đứa con gái. Người ngoài đánh giá, may mà chị còn có lối thoát ấy, chứ không khéo đến phải gõ cửa bệnh viện tâm thần sớm!
Theo Pháp Luật Việt Nam