(PL)- Ngày thứ năm tìm kiếm chiếc máy bay AirAsia và các nạn nhân trên chuyến bay QZ8501 gặp nạn từ hôm 28-12-2014 gặp trở ngại vì thời tiết xấu với những cột sóng có lúc chạm mốc 1,25 m.
Dù vậy, cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia quyết dồn “tất cả sức lực” để làm sao nạn nhân có thể được “đoàn tụ” với gia đình. Hai mặt trận được các ngành chức năng “bày bố” hiệu quả: i) Mặt trận tìm kiếm và vớt thi thể, mảnh vỡ máy bay; và ii) Chuyển thi thể về đất liền để khám nghiệm và người thân nhận diện.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ Indonesia và các nước không ngừng tăng cường nguồn lực gồm các chuyên gia, tàu lớn, máy bay và công nghệ hiện đại. Đáng chú ý nhất là Singapore với việc triển khai một thiết bị di chuyển dưới nước tự động (tiếng Anh là Autonomous Underwater Vehicle - AUV) để tham gia cuộc tìm kiếm những mảnh vỡ của QZ8501. Đồng thời, hải quân đảo quốc sư tử còn sử dụng một chiếc máy bay C-130 để vận chuyển AUV, các chuyên gia đến Pangkalan Bun. Diện tích khu vực tìm kiếm các mảnh vỡ và thân máy bay chuyến QZ8501 ngày hôm qua (1-1) đã được tăng lên gấp đôi, đạt mức 13.500 hải lý vuông (21.726.09 km2), lãnh đạo Hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar cho biết. Tuy thời tiết không thuận lợi nhưng tính đến khi bóng đêm tràn xuống biển Java đã có ít nhất 11 thi thể nạn nhân được vớt lên để về đất liền. Đó là chưa kể vào trưa 1-1, giám đốc điều hành hãng AirAsia Tony Fernandes cho biết đã tìm thấy chiếc máy bay AirAsia số hiệu QZ8501 bị nạn. “Tôi hy vọng rằng thông tin mới nhất này là thông tin chính xác, rằng chiếc máy bay đã được tìm thấy. Hãy cùng nhau hy vọng vì điều này vô cùng hệ trọng” - Fernandes viết. Các đội thợ lặn cũng được triển khai để “truy tìm” chiếc hộp đen - chìa khóa giải mã toàn bộ thảm họa lần này.
Trong khi đó, công tác vận chuyển thi thể nạn nhân về đất liền cũng gặp không ít khó khăn khi thời tiết xấu. Hãng tin Channel News Asia dẫn báo cáo của PV Devianti Faridz có mặt tại Indonesia cho biết đội cứu hộ không có chất formaldehyde để tiêm vào thi thể nạn nhân, cũng không có nước đá để ướp lạnh thi thể trong quá trình vận chuyển xác nhằm ngăn mẫu ADN bị nhiễm bẩn. “Các nhân viên cứu hộ sử dụng thuốc mỡ thoa vào các ngón tay của nạn nhân, sau đó bọc chúng vào túi nhựa để dễ nhận dạng thân nhân. Các nhân viên đánh dấu quần áo của nạn nhân, sau đó làm sạch các thi thể trước khi đặt các nạn nhân vào quan tài” - cảnh sát Indonesia cho biết. Tính đến hết ngày tìm kiếm thứ năm đã có tám thi thể được lực lượng cứu hộ chuyển đến Pangkalan Bun trước khi đến bệnh viện đối chiếu ADN.
ĐẠI THẮNG
PLO