Mới rồi, hãng Mitsubishi Materials (Nhật Bản) đã chính thức nói ra lời xin lỗi những tù binh chiến tranh của Mỹ bị Nhật Bản bắt giữ trong thời chiến tranh thế giới thứ hai bị cưỡng bức lao động trong các công xưởng và hầm mỏ của hãng này. Cuộc chiến tranh ấy đã kết thúc cách đây 70 năm. Cách đây 5 năm, chính phủ Nhật Bản đã chính thức xin lỗi về việc bạc đãi và bóc lột những tù nhân chiến tranh thời thế chiến thứ hai. Vì thế, nhận thức của hãng này về việc làm sai trái khi xưa và thể hiện thái độ hối lỗi có phần quá muộn mằn.
Trong công pháp quốc tế hiện hành với hiệu lực từ rất lâu nay có luật lệ cụ thể và rõ ràng áp dụng cho đối tượng là tù binh chiến tranh. Họ là những tù nhân đặc biệt và phải được đối xử theo công ước quốc tế về đối xử với tù binh chiến tranh. Công ước này cấm bạc đãi và nhục hình tù binh chiến tranh và không cho phép bóc lột họ. Thời chiến tranh thế giới thứ 2, hãng Mitsubishi Mines, tiền thân của hãng Mitsubishi Materials hiện tại, đã cưỡng bức lao động khoảng 900 tù binh chiến tranh người Mỹ. Những người này đã bị cưỡng ép lao công trong điều kiện lao động và sống rất tồi tệ. Nhiều người trong số đó đã không sống được cho tới khi kết thúc chiến tranh và được hồi hương. Về sau, Nhật Bản và Mỹ từ địch thủ của nhau trong chiến tranh thế giới thứ hai trở thành đồng minh quân sự chiến lược của nhau nhưng không có bất cứ hãng nào của Nhật Bản bóc lột tù binh chiến tranh người Mỹ xin lỗi hay bồi thường cho họ. Mitsubishi Materials là hãng đầu tiên, mà cũng chỉ nói lời xin lỗi chứ không cam kết bồi thường vật chất.
Trên danh nghĩa, mọi hình thức xin lỗi về những sai phạm trong quá khứ không khi nào quá muộn nhưng trên thực tế thì lại có thể quá muộn bởi đời người không vô hạn. Nhận thức chậm và hối lỗi muộn tuy xử lý được xong khía cạnh pháp lý của việc thực hiện trách nhiệm đối với quá khứ lịch sử, nhưng chỉ được phần nào khía cạnh đạo lý của sai phạm.
VietBF ©Sưu tập