Vụ điều tra Apple trốn thuế làm rùm beng thế giới công nghệ. Nhiều người đặt lòng tin cho quả táo cắn dở này. Nhưng sự thật về Apple thì thật quá phu phàng.
Việc Apple chính thức bị EC đưa ra hình phạt về tội trốn thuế được đánh giá có thể trở thành điểm bùng phát cho một cuộc chiến thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu (EU), khi Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố sẽ trả đũa nếu như vụ việc này không được giải quyết một cách êm thắm.
Có lẽ chuyện được quan tâm nhất trong kinh tế thế giới những ngày qua là việc tập đoàn công nghệ nổi tiếng Apple của Mỹ chính thức bị Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hình phạt về tội trốn thuế tại hai công ty con ở Ireland, với tổng số tiền phải nộp phạt lên tới 13 tỉ euro (tương đương 14,5 tỉ USD). Tầm quan trọng của sự kiện này lớn hơn nhiều một vụ trốn thuế thông thường, dù con số 14,5 tỉ USD tiền phạt là khoản tiền phạt cao kỷ lục mà Apple phải đối mặt trong nhiều năm qua. Vụ việc này được đánh giá có thể trở thành điểm bùng phát cho một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), khi Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố sẽ trả đũa nếu như nó không được giải quyết một cách êm thắm. Còn trong nội bộ EU, Ireland – quốc gia sẽ được hưởng khoản tiền 14,5 tỉ USD bồi thường của Apple – cũng đang bị coi là một nạn nhân trong câu chuyện kiện tụng ầm ĩ. Người ta đang đặt câu hỏi: Apple có trốn thuế hay không?
Năm 2016 có lẽ sẽ là khoảng thời gian đen đủi nhất với tập đoàn công nghệ Apple trong vòng nhiều năm trở lại đây. Sự sa sút doanh số đáng kể tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 thế giới của tập đoàn này, đi kèm với sự ngược đãi ngày càng gia tăng của Bắc Kinh với các sản phẩm công nghệ đang khiến giá cổ phiếu Apple giảm khá mạnh. Giờ đây vấn đề không đơn giản chỉ là tiền, khi Apple đang là tập đoàn có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, khoảng 500 tỉ USD và luôn sở hữu một lượng tiền mặt dồi dào có thể gấp hơn 10 lần số tiền phạt của EC. Vấn đề nằm ở chỗ, việc EC đưa ra hình phạt này sẽ khiến hoạt động của Apple bị xáo trộn nghiêm trọng, và thậm chí giá cổ phiếu sẽ sụt giảm mạnh sau những lần sụt giá trước đó do tác động từ thị trường Trung Quốc.
Vấn đề cốt yếu trong câu chuyện Apple bị cáo buộc trốn thuế tại Ireland ở thời điểm hiện tại cũng được đánh giá là rất phức tạp. Khởi điểm của câu chuyện là vào năm 1991, khi Apple ký với chính phủ Ireland một thỏa thuận thuế, theo đó tập đoàn sẽ được ưu đãi lớn và chỉ phải đóng khoảng 1% doanh thu từ hai công ty con có trụ sở ở đây, trong khi mức thuế thu nhập doanh nghiệp mà chính phủ Ireland quy định chung cho toàn bộ nền kinh tế lên đến 12,5%. Ở thời điểm được ký kết năm 1991, thỏa thuận này là công khai và hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì có vẻ điều đó không còn đúng nữa, sau những thay đổi và điều chỉnh về mặt pháp lý của EU mà Ireland là một thành viên.
Cụ thể, một trong những vấn đề không được EU chấp nhận là chính sách trợ giá của chính phủ các quốc gia thành viên. Về cơ bản, EU tôn trọng và chấp nhận việc các nước thành viên sử dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau do nhu cầu tự chủ chính sách tài khóa của các quốc gia, điển hình như thuế doanh nghiệp ở Ireland chỉ là 12,5% trong khi ở Đức lên tới 33,3%. Nhưng EU không chấp nhận việc các chính phủ đưa ra những ưu đãi biệt lệ có thể phá vỡ mặt bằng chung về thuế thu nhập doanh nghiệp, mà trường hợp của Apple là ví dụ điển hình. Theo EC, nếu tất cả doanh nghiệp đang hoạt động tại Ireland phải chịu mức thuế suất 12,5% thì Apple cũng phải chịu mức thuế tương tự. Do tập đoàn chỉ phải chịu mức thuế rất thấp là 1% trong vòng 25 năm qua, nên theo EC, điều đó đồng nghĩa với việc Apple trốn thuế. Khoản tiền phạt 13 tỉ euro là khoản bồi thường mà Apple phải trả cho chính phủ Ireland, dù họ đã đưa ra thỏa thuận ưu đãi thuế ấy cho Apple.
Đã có những quan điểm cho rằng đối tượng vi phạm pháp luật trong câu chuyện này (nếu có) không phải Apple mà là chính phủ Ireland khi họ đã đề xuất và chấp nhận sự ưu đãi thuế ấy. Rõ ràng, nếu thỏa thuận ưu đãi thuế sai, thì lỗi trước hết phải thuộc về cơ quan có thẩm quyền đã chấp nhận chứ không phải doanh nghiệp. Ngoài ra, việc thỏa thuận ưu đãi thuế có phải là sự vi phạm pháp luật hay không cũng chưa được xác quyết, vì thực tế không hiếm những trường hợp chính phủ nước sở tại có thể cung cấp các ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài một cách hợp pháp.
Sự việc Apple bị chính thức tuyên bố về tội trốn thuế tại châu Âu đang được đánh giá có tầm quan trọng vượt xa một trường hợp bị cáo buộc trốn thuế thông thường. Có rất nhiều khía cạnh đằng sau, thậm chí nó có thể trở thành một ngòi nổ cho một cuộc chiến thương mại quy mô quốc tế. Trước hết, nếu không được giải quyết ổn thỏa, sự việc lần này có thể kéo theo một cuộc đụng độ thương mại toàn diện giữa Mỹ và EU, khi Bộ Thương mại và rất nhiều các cơ quan chính phủ Mỹ đã lên tiếng phản đối, cảnh báo sẽ trả đũa nếu EU vẫn cương quyết duy trì chính sách theo kiểu ngược đãi các công ty Mỹ. Trước Apple, các tập đoàn công nghệ lớn khác như Google hay Facebook đã vài lần dính líu đến những cáo buộc trốn thuế từ Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, việc EC cương quyết tuyên bố về tội danh trốn thuế đối với Apple cũng được xem là phản ánh những vấn đề trong nội bộ EU. Chính phủ Ireland – nơi sẽ được nhận khoản tiền 14,5 tỉ USD bồi thường từ phía Apple – đã tuyên bố mức thuế đối với tập đoàn công nghệ Mỹ không có gì phạm pháp, chính phủ nước này sẽ từ chối khoản tiền bồi thường vì cho rằng Apple không phạm luật. Đã có khá nhiều quan điểm cho rằng đối tượng chủ yếu bị nhắm đến trong vụ việc chính là Ireland chứ không phải là Apple, vì nếu quan hệ giữa Apple và Ireland đổ vỡ có thể sẽ khiến quốc gia này đánh mất lợi thế vốn có của mình trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Hiện tại, với mức thuế doanh nghiệp thuộc diện thấp nhất EU, Ireland đang trở thành một quốc gia có sức hấp dẫn nhất với các doanh nghiệp nước ngoài muốn xâm nhập thị trường EU. Đặc biệt là sau khi nước Anh rời khỏi EU, thì Dublin của Ireland được xem là thành phố có nhiều tiềm năng nhất để thay thế London trong việc trở thành điểm đến của các tập đoàn tài chính và ngân hàng, hơn cả các ứng cử viên nặng ký khác như Paris của Pháp hay Frankfurt của Đức.
VietBF © Sưu Tầm