VBF-Bức ảnh người Việt ở Texas sẽ không thể nào quên được qua trận bão Harvey vừa qua. Cơn bão giáng xuống làm tràn lũ người phụ nữ gốc Việt và con trai đã được bế bổng lên. Bức ảnh được đưa lên làm biểu tượng tiêu biểu cho việc cứu người trong thảm họa lần này.
Cảnh sát viên Daryl Hudeck thuộc lực lượng SWAT đang bế mẹ con cô Connie Phạm và bé trai Aiden ra khỏi vùng bị lụt ở tây nam Houston sáng Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017. Trong vòng một ngày sau, bức ảnh này của ông David J. Phillip chụp cho hãng AP đã được lan truyền khắp thế giới, trở thành tấm ảnh tiêu biểu cho tinh thần phấn đấu của người Houston trước thảm họa thiên tai. (AP)
HOUSTON - Trong tấm hình này, bé trai Aiden Phạm, 13 tháng tuổi, và được bọc trong chăn, nằm ngủ ngon lành trong vòng tay của mẹ, ngay cả khi nước lũ từ trận bão Harvey đang dâng tràn vây quanh họ.
Chắc chắn đến một ngày nào đó, mẹ của Aiden sẽ kể cho con trai nghe về cái ngày mà cảnh sát Houston dùng ghe tới giải cứu hai mẹ con ra khỏi ngôi nhà bị ngập nước, và một cảnh sát viên bế họ đến nơi an toàn.
Nhưng nhờ con mắt cẩn thận của một nhiếp ảnh gia kỳ cựu của hãng thông tấn AP, người được chỉ định ghi hình ảnh trận bão tại Houston, cả thế giới biết rằng người mẹ, em bé, và cảnh sát viên là ba khuôn mặt tiêu biểu cho cuộc phấn đấu của người dân Houston trước sự tàn phá của sức mạnh thiên nhiên.
Kể lại khoảnh khắc vào chiều Chủ Nhật khi ống kính của ông tìm thấy ba người này, nhiếp ảnh gia David Phillip nói, “Tôi đã để mắt theo dõi tình hình để tìm hình chụp. Ngay khi tôi nhìn thấy người đó thuộc toán SWAT (đội cảnh sát cảm tử) bồng cô ấy, và sau đó thấy đứa bé, tôi không thể tin ở mắt mình rằng đứa bé đã được bọc kín trong đó và không hề khóc. Thật là một khoảng khắc êm dịu và rất đặc biệt.”
Bức ảnh của ông Phillip cho thấy cảnh sát viên Daryl Hudeck, đội mũ bóng chày và mặc sắc phục, bế cô Catherine Phạm và đứa con trai mà cô đang ôm, lội qua nước sâu đến đầu gối phủ ngập khu vực xa lộ Interstate 610, ở mạn tây nam Houston.
Ông Phillip nói rằng người phụ nữ và đứa con đã được giải cứu cùng với cha của đứa bé, từ ngôi nhà của họ trong khu vực Meyerland của thành phố, nơi mà nước dâng lên tận nhiều mái nhà.
Đến hôm thứ Hai, bức ảnh đó xuất hiện khắp trên khắp mạng web và nhiều trang nhật trình, nhanh chóng trở thành một biểu tượng của trận bão và những nỗ lực cứu nạn của nhà chức trách.
Gia đình họ Phạm được đưa tới nơi cảnh sát trú đóng tại một địa điểm cao trên đường. Cảnh sát đã mau chóng được gia đình đi nơi khác hôm Chủ Nhật, chỉ đủ cho ông Phillip được vài phút phút để lấy danh tánh và chứng kiến việc mẹ con được giải cứu.
Cô Catherine Phạm đăng hình ấy trên trang Facebook của cô vào cuối ngày Chủ Nhật, “Nhà tôi bị nước ngập hoàn toàn, nhưng ít nhất tất cả chúng tôi đều ở bên nhau. Chúng tôi rất biết ơn Chúa đoái nhìn chúng tôi hôm nay!”
Ông Phillip nói, ngay sau khi cả nhà họ Phạm được giải cứu, ông vội vàng truyền tải mấy tấm ảnh về hãng thông tấn qua làn sóng vô tuyến. Hành động của ông đã diễn ra kịp thời, vì không lâu sau đó, chiếc ghe mà ông đang ngồi để vào vùng lụt đã va trúng một vật chìm dưới nước, có thể là một chiếc xe bị chìm, và nhiếp ảnh gia đã bị hất văng ngược xuống nước. Chân ông bị quẹt bởi động cơ phía ngoài của chiếc ghe, trước khi những người cứu nạn thuộc toán cứu hỏa có thể kéo ông lên lại trên ghe. Ông bị mất một trong mấy chiếc máy ảnh và tất cả các hình ảnh đã chụp trước đó.
Ông Phillip, 51 tuổi, đã chụp hình cho hãng AP trong 22 năm, tất cả thời gian đều ở Houston, và ông cũng đã chụp hình nhiều trận bão. Tuy có kinh nghiệm với ba trận bão lớn là Katrina, Ike và Rita, những kinh nghiệm đó vẫn không thể giúp ông chuẩn bị sẵn sàng cho một trận bão gây ngập lụt tại thành phố quê hương của ông.
Trong trận bão Katrina, ông kể, “Tôi đã nhìn thấy nhiều thứ hãi hùng, chắc bạn cũng biết, những con chó ăn xác người, và đại loại như thế. Nhưng khi chuyện đó xảy ra ngay ở thành phố của tôi, thì thật là ghê rợn. Tôi cứ nghĩ rằng đó là một cơn ác mộng, và khi chúng ta thức dậy thì tất cả những điều đó sẽ biến mất. Nhưng không thật sự đúng như vậy. Kinh nghiệm này sẽ còn ở lại rất lâu.”
Tuy nhiên, ông Phillip nói, việc nhìn thấy cảnh sát giải cứu những người như cô Catherine và bé Aiden Phạm là điều nhắc nhở về sức sống mãnh liệt và kiên trì của thành phố.
Ông nói, “Có những khoảnh khắc sẽ hằn in trong đầu tôi; khoảnh khắc mẹ con đó được cứu và một chuyện khác xảy cách mấy giờ trước đó, khi một cảnh sát viên phải đi cứu một người ra khỏi chiếc xe bị ngập nước. Vẻ kinh hoàng trên khuôn mặt của ông ấy, người được giải cứu, và sự làm việc tận tụy của cơ quan thực thi công lực của chúng ta, họ đã làm những gì mà họ có thể làm được, để cứu người khác.”