Ô nhiễm đang là hiện tượng đáng báo động trên toàn cầu. Chính ô nhiễm môi trường đã cướp đi sinh mạng của 9 triệu người vào năm 2015, gấp 3 lần so với số người tử vong vì AIDS, bệnh lao và bệnh sốt rét gộp lại. Nghiêm trọng hơn là vì vì nó mà số người chết gấp gần 15 lần so với chiến tranh và các hình thái bạo lực khác.
Hãng thông tấn RT đưa tin, con số đáng báo động trên đã được đưa ra trong báo cáo vào hôm 19.10 của Hội đồng Ô nhiễm và Sức khỏe Lancent, một tổ chức quốc tế với hơn 40 tác giả viết về sức khỏe và môi trường.
Ảnh minh họa: Reuters
Cứ 6 ca tử vong trên thế giới thì có 1 trường hợp tử vong do ô nhiễm, báo cáo cho biết. Tỷ lệ này phân bổ không đồng đều, với 92% xảy ra tại "các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình". Đứng đầu là Ấn Độ với 2,5 triệu người, tiếp đến là Trung Quốc với 1,8 triệu người tử vong do ô nhiễm vào năm 2015.
Báo cáo của Lancent xác định chính ô nhiễm không khí, chủ yếu gây ra bởi việc đốt cháy các nhiên liệu khác nhau, là sát thủ tồi tệ nhất. Nó gây ra các bệnh về hô hấp và tim mạch như ung thư phổi, vốn có thể phát triển do hít phải không khí ô nhiễm trong thời gian dài.
"Với quá trình toàn cầu hóa, khai khoáng và sản xuất chuyển sang các quốc gia nghèo hơn, nơi các luật lệ và sự tuân thủ các quy tắc về môi trường không nghiêm ngặt", Reuters dẫn lời Karti Sandilya, một trong những cây viết và một cố vấn của nhóm môi trường Pure Earth.
"Người dân tại các quốc gia này - như các công nhân xây dựng tại New Delhi (Ấn Độ) - sẽ hít phải không khí ô nhiễm nhiều hơn và khó có thể tự bảo vệ mình hơn khi họ đi bộ, lái xe hoặc ngồi xe buýt tới nơi làm việc, những nơi cũng có thể bị ô nhiễm".
Thiệt hại từ ô nhiễm, không chỉ được đo bằng tính mạng và sức khỏe con người. Nó còn được ước tính bằng tiền bạc với tổn thất về phúc lợi là khoảng 4,6 nghìn tỷ USD mỗi năm hoặc tương đương 6,2% sản lượng kinh tế toàn cầu.