Một vụ thử tên lửa siêu thanh do Hải quân Mỹ vừa thực hiện tại Hawaii hôm 30/11, Phó đô đốc Terry Benedict, chỉ huy Chương trình Hệ thống chiến lược (SSP) cho biết. Tên lửa sẽ được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio. Đây sẽ là một vũ khí lợi hại khiến đối phương "chết không kịp ngáp".
Các tàu ngầm của Mỹ sắp có tên lửa siêu thanh - Ảnh: The National Interest
“Vụ thử nhằm thu thập dữ liệu về công nghệ đẩy - lướt siêu thanh (boost - glide) và khả năng hoạt động trong phạm vi kiểm tra khi tên lửa bay tầm xa. Dữ liệu này sẽ được Bộ Quốc phòng sử dụng để làm cơ sở cho việc kiểm tra, lập mô hình và mô phỏng lại khả năng hoạt động của thiết bị siêu thanh. Chúng có thể được áp dụng cho các chương trình Tấn công nhanh chóng bằng vũ khí thông thường (Conventional Prompt Strike)”, theo ông Evans.
Trang The National Interest cho biết tên lửa siêu thanh là những loại tên lửa có tốc độ bay từ 3.106 - 15.534 dặm/giờ (4.999 - 25.000 km/ giờ). Trung Quốc, Mỹ và Nga đều đang đầu tư rất mạnh để phát triển vũ khí siêu thanh, trong khi các nước khác tuy đầu tư kém hơn nhưng cũng không bỏ qua công nghệ này.
Có hai loại tên lửa siêu thanh cơ bản là tên lửa siêu thanh lướt (HGVs) và tên lửa siêu thanh hành trình (HCMs). HGVs được phóng đi bằng phản lực và có khả năng bắn tới các mục tiêu nằm ở độ cao từ 40 km đến hơn 100 km, vận tốc của loại này nhanh hơn HCMs.
Như tên gọi của chúng, HGVs tên lửa hành trình bay với vận tốc siêu thanh. Trong suốt quá trình bay, chúng sẽ được trợ lực bằng phản lực hoặc các động cơ phản lực tốc độ cao, theo The National Interest.
Tên lửa siêu thanh lướt (HGVs) là loại tên lửa mà Hải quân vừa phóng thử - Ảnh: Huffington Post
Quá trình phát triển tên lửa siêu thanh của Hải quân Mỹ
Mỹ đang phát triển đồng thời cả 2 loại với chương trình Vũ khí phản lực siêu thanh (Hypersonic Air-breathing Weapon Concept - HAWC) phát triển HCMs và chương trình Vũ khí đẩy - lướt chiến thuật (Tactical Boost Glide - TBG) phát triển HGVs. Cả hai đều có sự hợp tác của Không quân Mỹ.
The National Interest cho hay có thể loại mà SSP vừa thử nghiệm là HGVs. Đây là một phần trong chương trình Tấn công Toàn cầu nhanh chóng bằng vũ khí thông thường (Conventional Prompt Global Strike - CPGS). Đây là chương trình nhằm trang bị cho Mỹ khả năng thực hiện một cuộc tấn công chính xác vào bất cứ địa điểm nào trên thế giới trong vòng một tiếng đồng hồ.
Nhu cầu cần có CPGS xuất hiện sau khi Mỹ đưa ra Bản đánh giá Năng lực Hạt nhân (NPR) vào năm 2001. Kể từ đó đến nay, Bộ Quốc phòng cùng tất cả những đơn vị quân đội đều tham gia phát triển nhiều loại công nghệ nhằm giúp Mỹ đạt được CPGS.
Tên lửa siêu thanh có thể được trang bị cho tàu ngầm lớp Ohio - Ảnh: Wikipedia
Về phía Hải quân Mỹ, trong nỗ lực hoàn thành CPGS, lực lượng này vào khoảng năm 2003 đã bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm (SLIRBM). Kế hoạch được thực hiện cho đến năm 2008, khi Quốc hội Mỹ cắt ngân sách.
Đến năm 2012, khi chính sách Xoay trục về châu Á được đề ra, Hải quân lại tiếp tục đề ra kế hoạch đạt CPGS. Đến năm 2014, các đề xuất phát triển tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm của lực lượng này được chấp thuận.
Các nỗ lực này không ngừng được đẩy mạnh sau khi chương trình Vũ khí siêu thanh tân tiến của Bộ binh Mỹ bị thất bại hai lần liên tiếp.
Kể từ đó, Hải quân được giao trọng trách tiếp quản chương trình này (đổi tên thành chương trình Tấn công nhanh chóng bằng vũ khí thông thường), chế tạo một loại vũ khí có thể trang bị cho tên lửa dựa trên cơ sở của những mẫu thử nghiệm trên đất liền. Vụ thử mới đây nhất chính là cột mốc đầu tiên.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã cam kết với tư lệnh của các hạm đội ở Thái Bình Dương và châu Âu rằng tên lửa hạt nhân siêu thanh sẽ được giới thiệu trong năm tài khóa 2018 - 2022.
Và khi Mỹ có tên lửa hạt nhân siêu thanh, nước này có thể sẽ trang bị chúng cho 4 tàu ngầm lớp Ohio cũng như những tàu ngầm tấn công mới lớp Virginia, theo The National Interest.
VietBF © sưu tập