Năm 2017 là năm thế giới xảy ra quá nhiều sự kiện. Ringe bán đảo Triều Tiên đă làm Tổng thống Donald Trump đau đầu. Hết trừng phạt này đến trừng phạt khác nặng hơn những Kim Jong Un vẫn đứng vững vượt qua quyền kiểm soát của Mỹ.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã biến "điều không thể" của Tổng thống Mỹ Trump thành sự thật bằng chính những thành tựu quân sự và kinh tế mà Triều Tiên đã đạt được trong năm 2017.
Trong bài phát biểu đầu năm 2017, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tuyên bố “Triều Tiên sẽ bước sang kỷ nguyên củng cố năng lực quốc phòng và vươn lên thành quốc gia hạt nhân cũng như trở thành một đội quân hùng mạnh không có đối thủ ở Đông Á”.
Tuy nhiên, phản ứng trước thông tin Triều Tiên đã cho phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ, Tổng thống Donald Trump lại cho rằng “chuyện này sẽ không xảy ra”.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang chứng minh năng lực phát triển quân sự và kinh tế của Triều Tiên vượt xa dự đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Channel News Asia, trên thực tế, trong suốt năm 2017, Triều Tiên đã liên tiếp cho phóng thử tên lửa và tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Hành động của Triều Tiên nhằm chứng minh năng lực hạt nhân của quốc gia này ngày càng được mở rộng và có thể tấn công nhiều mục tiêu bao gồm Mỹ.
Cụ thể, trong tháng 2/2017, Triều Tiên đã lần đầu tiên cho phóng tên lửa Pukkuksong-2 sử dụng nhiên liệu rắn. Cùng tháng, Triều Tiên bị tình nghi đứng đằng sau vụ ám sát người anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là ông Kim Jong-nam tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur bằng chất độc thần kinh VX.
Trong những tháng tiếp theo, Triều Tiên tiếp tục phóng thử nghiệm hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm trung. Trong đó, một vụ thử tên lửa hồi tháng Chín của Triều Tiên đã chứng minh khả năng tên lửa của nước này có thể vươn tới tấn công đảo Guam của Mỹ.
Quan trọng nhất là hai vụ thử ICBM Hwasong-14 và Hwasong-15 trong tháng Bảy và tháng 11 đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phải thừa nhận rằng, Triều Tiên đang nỗ lực cho ra đời loại tên lửa đạn đạo có thể “tấn công mọi mục tiêu trên thế giới”.
Bên cạnh đó, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 liên quan tới bom nhiệt hạch (bom H) của Triều Tiên hồi tháng Chín được cho có sức nổ lên tới 160 – 300 kiloton, lớn gấp 10 – 15 lần so với các vụ thử hạt nhân trước đây của Bình Nhưỡng.
Theo ông Scott Snyder, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, với những thành tựu quân sự đã đạt được trong năm 2017, Triều Tiên đã vươn tới năng lực mà Tổng thống Trump từng cho rằng là “điều không thể". Câu hỏi duy nhất hiện nay chỉ là khả năng hồi quyển của ICBM mang theo đầu đạn hạt nhân do Triều Tiên chế tạo.
Năng lực quân sự lớn mạnh cùng kho hạt nhân của Triều Tiên đang trở thành thách thức an ninh lớn đối với Hàn Quốc và Nhật Bản. Hai quốc gia phải phụ thuộc lớn vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ nếu không may Triều Tiên phát động tấn công.
Ngoài thành tựu quân sự, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã chứng minh sự đúng đắn của chính sách song hành phát triển cả kinh tế lẫn quân sự. Cụ thể, theo số liệu được Ngân hàng Hàn Quốc ở Seoul công bố, GDP trong năm 2016 của Triều Tiên đã tăng 3,9%. Ngoài ra, nhiều nguồn tin còn cho rằng, ông Kim đang tiến hành chính sách thị trường hóa để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế cho Triều Tiên.
Trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa ra hàng loạt lệnh cấm vận nhằm vào các mặt hàng vốn là thế mạnh xuất khẩu của Triều Tiên như than đá, kim loại, sản phẩm dệt may hay hải sản, cũng như hạn chế hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và xuất khẩu lao động, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn tìm ra được những khẽ hở để kết nối với nền kinh tế thế giới nhằm tạo nguồn thu phục vụ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, mục tiêu chính của lệnh cấm vận được LHQ ban hành là cắt đứt sợi dây kết nối kinh tế chủ chốt giữa Triều Tiên và Trung Quốc cũng như buộc nền kinh tế Triều Tiên phải trả giá đắt cho việc đầu tư vào phát triển lĩnh vực quân sự.
Về phần mình, chính quyền của Tổng thống Trump dường như sẵn sàng đưa ra các biện pháp tài chính đơn phương chống lại Triều Tiên và các khách hàng của Bình Nhưỡng thay vì chỉ phụ thuộc vào sự hợp tác của Trung Quốc trong việc gây áp lực lên nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ngoài ra, trong bối cảnh Triều Tiên khẳng định phát triển hạt nhân là thanh bảo kiếm giúp quốc gia chống lại các thế lực thù địch bên ngoài, việc giới chức Mỹ tính tới phương án tấn công quân sự lại càng gần hơn với thực tế. Nhưng cũng không thể phủ nhận, Mỹ đang thực sự lo ngại về mối đe dọa từ kho hạt nhân đang nằm trong tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo ông Snyder, cuộc đua giữa một bên Triều Tiên muốn Mỹ công nhận Bình Nhưỡng là quốc gia hạt nhân còn Mỹ lại liên tục có những động thái kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập Bình Nhưỡng để buộc ông Kim Jong-un thay đổi quan điểm, sẽ còn tiếp diễn sang năm 2018.
Và không loại trừ khả năng căng thẳng leo thang thành chiến tranh khi mà cả Mỹ và Triều Tiên đều có những nỗ lực chứng minh giành phần thắng trong cuộc ganh đua, ông Snyder kết luận.