Hiện Bắc Kinh vẫn không lùi bước trước việc Mỹ cũng như các đồng minh cảnh báo. Họ vẫn đưa máy bay ném bom và tên lửa đến đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Mỹ đã lặng lẽ đưa tàu sân bay chở chiến đấu cơ F-35 đến Biển Đông.
Theo Business Insider, nhằm thách thức Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền Biển Đông, hải quân Mỹ vừa đưa tàu sân bay Essex chở đầy chiến đấu cơ tàng hình F-35 đến Biển Đông trong tuần này.
Quân đội Mỹ thường công bố những cuộc triển khai tàu chiến từ hàng tháng trước, nhưng tờ báo đặt câu hỏi tại sao hải quân Mỹ lại âm thầm đưa tàu sân bay nhỏ Essex chở nhiều chiếc F-35Bs Joint Strike Fighters (dành cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ) đến vùng biển Tây Thái Bình Dương?
Tây Thái Bình Dương là một cách gọi của Mỹ và cả của Philippines để chỉ vùng biển nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 370km2 của Philippines trên Biển Đông.
Chiến đấu cơ F-35 hạ cánh thẳng đứng trên tàu sân bay - Ảnh : Lầu Năm Góc
Việc Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông đã khiến Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei lo ngại.
Câu hỏi của Business Insider được báo này trả lời: Mỹ có hai đối thủ lớn ở Thái Bình Dương là Trung Quốc và CHDCDND Triều Tiên.
Dù Mỹ-Triều đang đàm phán để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Mỹ muốn lặng lẽ triển khai mạnh đến Tây Thái Bình Dương và một loạt chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 nhằm cảnh báo Bình Nhưỡng chớ nên đùa giỡn với Mỹ.
Nhưng chính hải quân Trung Quốc là mối đe dọa Mỹ lớn nhất và đó là lý do Mỹ bí mật triển khai tàu sân bay Essex chở F-35.
Mỹ từng không nói nhiều về việc tàu sân bay Ronald Reagan từ Nhật Bản đến Biển Đông tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP). Các đề nghị bình luận của Business Insider đều không được Mỹ trả lời.
Những năm gần đây, hải quân Mỹ cũng thường cử các khu trục hạm áp sát vùng biển quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép.
Các nhà quan sát cho rằng Mỹ muốn phát thông điệp đến các lãnh đạo quân sự Trung Quốc, rằng chớ nên gây căng thẳng ở vùng biển này. Bằng cách triển khai tàu sân bay đến Biển Đông, Mỹ phát tín hiệu sẵn sàng dùng khí tài quân sự phần cứng để giải quyết tranh chấp giữa hai lực lượng hải quân Mỹ-Trung, thay vì ra những thông cáo báo chí.
Hồi đầu năm nay, khi chiếc Wasp là tàu sân bay nhỏ đầu tiên chở F-35 đến Biển Đông, giới truyền thông được thông báo trước. Nhưng Mỹ chỉ thông báo sau khi chiếc Essex bắt đầu xuất phát đến Biển Đông trong tuần này, theo trang tin USNI.
Mỹ phô trương khả năng của chiếc F-35 - Ảnh: AP
Dòng máy bay F-35 gồm F-35A trang bị cho không quân Mỹ, F-35B cho thủy quân lục chiến, F-35C cho hải quân.
Dòng tiêm kích này được thiết kế để hạ cánh trên tàu sân bay tốt nhất, vì có cánh chính lớn và được trang bị thiết bị giảm sốc khi hạ cánh. Sau khi bay quanh tàu một lần, chiếc F-35 không cần dùng đến dây bắt giữ (arresting wire) để hạ cánh như máy bay truyền thống, mà giảm tốc độ khi đang lơ lửng trên không trung rồi hạ cánh thẳng đứng xuống boong,
Chiếc F-35B được thiết kế để cất-hạ cánh thẳng đứng trên đường băng ngắn (khoảng 30m), như trên một tàu đổ bộ chiến đấu. Nó sẽ thay các kiểu AV-8B Harrier, F/A-18 Hornet và EA-6B Prowler trong những vụ tấn công trên bộ và trên không.
Với khả năng tàng hình hiện đại, dòng F-35 được đánh giá là máy bay chiến đấu thế hệ 5 tân tiến hàng đầu. Tiêm kích này còn có khả năng kết nối tuyệt vời, giúp thu thập thông tin từ các trạm radar mặt đất và tàu khu trục Aegis rồi chuyển chúng cho phi công.
Tháng 9.2018, không quân Mỹ sẽ bắt đầu thử nghiệm khả năng chiến đấu của F-35 được trao cho lực lượng. Giai đoạn sản xuất đại trà sẽ bắt đầu từ cuối năm 2019.
Cho đến nay, Mỹ đặt mua 1.763 chiếc F-35 cho không quân, hải quân và thủy quân lục chiến, gồm cả 270 chiếc đã bay.
Tiêm kích F-35 sẵn sàng cất cánh - Ảnh: Lầu Năm Góc
Chiếc F-35 cũng trở thành vũ khí đắt tiền nhất trong lịch sử, bị chỉ trích nhiều vì “đội giá” quá cao và thường bị trì hoãn. Văn phòng thẩm định trách nhiệm chính phủ (GAO) ngày 6.6 khuyến cáo Quốc hội Mỹ nên ngừng cấp kinh phí sản xuất F-35, cho đến khi khắc phục 996 lỗi nguy hiểm đến an toàn và an ninh của người vận hành,
Cụ thể các lỗi: bộ phận ghế phóng trong trường hợp khẩn cấp bị cho là có thể gây thương tích vùng cổ cho phi công, hệ thống màn hình hiển thị trên mũ phi công không hoạt động, hệ thống cung cấp oxy trong máy bay bị trục trặc, vòi tiếp nhiên liệu trên không có thể bị gãy trong quá trình sử dụng.
F-35 do hãng Lockheed Martin phát triển từ năm 2001. Lầu Năm Góc ước tính kinh phí chương trình F-35 từ khâu phát triển cho đến sản xuất và vận hành trong hơn 50 năm sau đó có thể lên đến 1.400 tỉ USD, chương trình vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử.