Tên lửa mới của Mỹ ‘nhái hàng Trung Quốc’. Tên lửa AIM-260 đang phát triển có thể là “bản nhái” của tên lửa PL-15 của Trung Quốc, đó là khẳng định của một số nhà quan sát quân sự Trung Quốc.
Tiêm kích J-20 mang tên lửa được cho là loại PL-15
Tuy nhiên, Trung Quốc không nên đánh giá thấp tên lửa không đối không tầm xa mới do Không quân Mỹ phát triển, chuyên gia quân sự Trung Quốc nói sau khi việc phát triển loại tên lửa mới này được Mỹ công bố, Hoàn cầu thời báo dẫn ý kiến một số chuyên gia trong nước nhận định.
Theo tạp chí National Interest, Không quân Mỹ đang phối hợp với hãng vũ khí Lockheed Martin và một số lực lượng khác trong quân đội Mỹ để phát triển một loại tên lửa mới gọi là AIM-260, dự kiến sẽ được trang bị từ năm 2022. Quan chức phụ trách chương trình vũ khí của Không quân Mỹ Anthony Genatempo được trích lời nói động cơ cho việc phát triển loại vũ khí mới là để đối đầu với loại tên lửa không đối không hàng đầu của Trung Quốc là PL-15, loại tên lửa được công khai từ năm 2016.
Có tầm bắn tối đa 160km, loại tên lửa không đối không hiện nay của Mỹ là AIM-120 có vẻ thua sút loại tên lửa PL-15 của Trung Quốc. Đây là đánh giá của quân đội Mỹ, dẫn đến việc phát triển tên lửa không đối không mới, theo National Interest.
Còn theo Business Insider, tên lửa PL-15 được trang bị radar mảng pha quét chủ động và được cho là có tầm bắn 200km.
Trong sự kiện trình diễn hàng không ở hội chợ Chu Hải, Quảng Đông hồi tháng 11/2018, các máy bay tiêm kích tàng hình J-20 đã mang theo một loại tên lửa mà giới phân tích cho là tên lửa PL-15.
Trung Quốc cũng được cho là đang phát triển một loại tên lửa mới mang tên PL-21, được nói là có thể bắn tới mục tiêu cách xa 300km, theo Business Insider.
Một số nhà quan sát quân sự Trung Quốc nói Mỹ, từng dẫn đầu về vũ khí, này “đang đuổi theo Trung Quốc”, và tên lửa AIM-260 đang phát triển có thể là “bản nhái” của tên lửa PL-15 của Trung Quốc, xét về mặt công nghệ được ứng dụng.
Tuy nhiên, “một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên” nói với Hoàn cầu thời báo rằng Trung Quốc không nên đánh giá thấp tên lửa AIM-260 vì nó ra đời sau và có thể có những công năng mới nhất.
Chuyên gia này dự đoán rằng tên lửa mới của Mỹ có thể sử dụng các công nghệ mang tính cách mạng để tăng tầm bắn một cách đáng kể mà không cần phải lớn thêm nhiều về kích cỡ, và công nghệ này quay trở lại gây sức ép đối với việc phát triển tên lửa không đối không của Trung Quốc.
Chuyên gia của Hoàn cầu nói báo chí Mỹ “thường nói rằng Trung Quốc làm nhái vũ khí”, và theo họ điều này không thuyết phục bởi các thiết kế thường “hội tụ” đặc điểm do các yêu cầu tác chiến giống nhau. Và có thể vì thế, chưa chắc Mỹ đã cố tìm cách nhái vũ khí Trung Quốc.