Tranh cãi về kết quả 'miễn dịch cộng đồng' Thụy Điển vẫn chưa có hồi kết. Thụy Điển tự tin đã khống chế thành công Covid-19 mà không cần áp phong tỏa, nhưng chuyên gia cho rằng còn quá sớm để lạc quan như vậy.
Trong khi hàng tỷ người trên thế giới đang phải chịu các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại ở mức độ khác nhau, cuộc sống ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển vẫn diễn ra như thể Covid-19 chưa xuất hiện và hoành hành khắp toàn cầu.
Nhà hàng, quán bar, quán cà phê vẫn mở cửa. Trẻ em vẫn chơi bóng tại công viên và các nhóm thanh niên vẫn thoải mái tụ tập, tổ chức picnic trên bãi cỏ.
Trong cuộc chiến với Covid-19, Thụy Điển chọn cho mình một con đường riêng. Họ không áp lệnh phong tỏa quyết liệt như hầu hết quốc gia khác, thay vào đó là một chiến lược chống dịch "mềm mỏng". Stockholm muốn vượt qua khủng hoảng với một nền kinh tế vẫn hoạt động bình thường. Họ đặt niềm tin vào ý thức tự giác và trách nhiệm của người dân thay vì chế tài mang tính bắt buộc.
Người dân Thụy Điển đạp xe trên phố Gotgatan, thủ đô Stockholm, hồi tháng 4. Ảnh: NYTimes.
Tiến sĩ Johan Giesecke, từng là nhà dịch tễ học của chính phủ Thụy Điển, khẳng định nếu không có vaccine hoặc cách điều trị hiệu quả, không có cách nào ngăn được nCoV. Mục tiêu của Thụy Điển là làm chậm tốc độ lây nhiễm, hay nói cách khác là tạo ra "miễn dịch cộng đồng", dù giới chức nước này chưa từng thừa nhận.
Thụy Điển đã ghi nhận hơn 23.000 ca nhiễm và gần 2.900 người chết vì nCoV. Khoảng một nửa số ca tử vong của quốc gia này được báo cáo trong các viện dưỡng lão. Giới chức Thụy Điển thừa nhận họ đã thất bại trong việc ngăn Covid-19 tấn công các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, nhưng vẫn tự tin về triển vọng của chiến lược "miễn dịch cộng đồng".
"Chúng tôi chắc chắn không đánh cược mạng sống người dân. Chúng tôi chỉ đang cố gắng làm những gì tốt nhất có thể dựa trên kiến thức của mình. Cho đến giờ, nếu nhìn vào những dự báo của một số nhà nghiên cứu, mô hình của Thụy Điển đang hiệu quả hơn những gì mọi người nghĩ. Họ nói rằng hệ thống y tế của Thụy Điển sụp đổ từ một tháng trước. Nhưng nó đâu có như vậy. Nó vẫn đang hoạt động", Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu và là "nhạc trưởng" của chiến lược chống Covid-19 của Thụy Điển, cho hay.
Những số liệu mới được cơ quan y tế Thụy Điển công bố cho thấy mọi thứ có vẻ đang đứng về phía Tegnel. Viện Y tế Công cộng Thụy Điển tuần trước đưa ra báo cáo về Covid-19, trong đó chỉ ra tỷ lệ lây nhiễm (hệ số R) của nước này đã giảm từ 1,4 vào đầu tháng 4 xuống 0,85 vào cuối tháng.
Nếu hệ số R, tỷ lệ được những nhà nghiên cứu sử dụng để đánh giá tốc độ lây nhiễm nCoV trong cộng đồng, bằng 1, đồng nghĩa một người nhiễm nCoV sẽ lây cho một người khác trong cộng đồng trong suốt thời gian nhiễm virus. Nếu một quốc gia có thể duy trì R dưới một, số người nhiễm virus sẽ giảm dần cho tới khi đại dịch kết thúc.
Trong khi đó, Đan Mạch, quốc gia láng giềng Bắc Âu có cấu trúc xã hội, nhân khẩu học và hệ thống y tế khá tương đồng với Thụy Điển nhưng khác về chiến lược chống Covid-19, báo cáo hệ số R giảm từ 1 vào đầu tháng 4 xuống 0,9 vào cuối tháng, theo cơ quan phòng chống bệnh truyền nhiễm SSI của quốc gia này.
Đan Mạch áp đặt lệnh phong tỏa rộng khắp từ ngày 11/3 và thuộc nhóm các quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa biên giới, hàng quán, trường học và cấm tụ tập đông người. Quốc gia này đã ghi nhận gần 10.000 ca nhiễm và hơn 500 ca tử vong vì nCoV.
Richard Orange, biên tập viên của Telegraph, cho rằng nếu nhìn sơ bộ, Thụy Điển có vẻ đã thành công hơn Đan Mạch, dù không phải áp lệnh phong tỏa khắc nghiệt như nước láng giềng. Thậm chí khi nhìn vào hệ số R, Thụy Điển có vẻ đang làm chậm tốc độ lây nhiễm nCoV tốt hơn một chút so với Đan Mạch.
Báo cáo mới của Thụy Điển như gáo nước lạnh dội vào nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London, cơ quan từng thực hiện nhiều nghiên cứu có tầm ảnh hưởng tới chính sách của Anh. Những nhà nghiên cứu của đại học này dự đoán với cách chống dịch khác biệt, hệ số R của Thụy Điển sẽ cao hơn 3 và khoảng 40.000 người nước này sẽ chết vì nCoV cho tới ngày 1/5. Tuy nhiên, dự đoán này không thành hiện thực.
Uno Wennergren, nhà toán học và xây dựng mô hình đại dịch tại Đại học Linkoping, cho rằng số lượng nhiễm thấp ở Thụy Điển một phần là do tỷ lệ miễn dịch ở Stockholm đang tăng lên và phần còn lại nhờ cách biệt cộng đồng.
"Có vẻ như nó là sự kết hợp của miễn dịch cộng đồng và khả năng lây nhiễm thấp hơn. Cả hai đang mang lại hiệu quả đồng thời", Wennergren nhận định.
Nhà toán học này nhấn mạnh nếu người Thụy Điển không thay đổi hành vi của họ theo khuyến nghị của Viện Y tế Công cộng, dự báo của Đại học Hoàng gia London có thể đã đúng. "Chúng ta nên luôn nhắc nhở bản thân rằng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta quay trở lại cuộc sống bình thường như tháng 1 và tháng 2? Nếu chúng ta quay lại, nó sẽ không phải là chuyện tốt", ông nói.
Nhưng Orange cho rằng cách làm của Thụy Điển có hiệu quả không có nghĩa việc người dân Đan Mạch chấp nhận cuộc sống phong tỏa trong suốt một tháng là phí công vô ích.
Biện pháp phong tỏa mạnh tay đã giúp hệ số R của Đan Mạch giảm xuống 0,6 vào giữa tháng 4 và chỉ tăng lên 0,9 sau khi quốc gia này mở cửa trường học vào hôm 15/4. Nhiều chuyên gia cho rằng sự gia tăng này có thể là do thời tiết hoặc tâm lý muốn được quay trở lại cuộc sống bình thường sau thời gian phong tỏa mệt mỏi của người dân Đan Mạch.
Trong khi đó, Thụy Điển đã sớm ghi nhận hệ số R cao trên 3 từ giữa tháng 3, nhưng sau đó giảm dần trong tháng 4 và giảm xuống dưới 1 từ ngày 19/4. Sự khác biệt nhỏ này đã dẫn tới ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ nhập viện và tử vong do nCoV: Thụy Điển ghi nhận tỷ lệ tử vong trên một triệu dân cao gấp ba lần Đan Mạch.
Nhưng Viện Y tế Công cộng Thụy Điển nhận định từ đầu rằng thế giới sẽ phải sống chung với Covid-19 trong thời gian dài nên lệnh phong tỏa hoàn toàn không phải là một giải pháp bền vững.
Nhà dịch tễ học Tegnell ước tính khoảng 1/4 người dân ở Stockholm có thể đã có khả năng miễn dịch. Ông cho rằng thủ đô Thụy Điển có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng trong vài tuần nữa.
Tuy nhiên, Wennergren cho rằng điều này chưa chắc đúng với phần còn lại của Thụy Điển. Ông cảnh báo hệ số R dưới 1 có thể chỉ là nhờ miễn dịch cộng đồng ở Stockholm.
"Chúng ta có thể đã qua đỉnh dịch ở Stockholm và nghĩ rằng mình đang làm tốt, mà quên mất những khu vực khác. Điều chúng ta cần là nhân rộng mô hình của Stockholm ra các khu vực đó. Cho tới khi chúng ta làm được điều đó, tôi nghĩ sẽ rất khó có thể biết được chúng ta sẽ đi về đâu", Wennergren nói.
Trong chương trình truyền hình cuối tháng 4, Wennergren từng ước tính khoảng 10.000-20.000 người Thụy Điển sẽ chết vì nCoV. Điều này có nghĩa số người chết hiện tại mới chỉ bằng khoảng 1/4 so với kịch bản tồi tệ nhất.
Phong tỏa hay không phong tỏa cho tới nay vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi trên thế giới khi các quốc gia chạy đua ngăn đại dịch. Việc "xóa sổ" nCoV hay tạo "miễn dịch cộng đồng" sẽ là con đường đúng đắn hơn khi đối đầu với Covid-19 vẫn là câu hỏi chưa có đáp án. Nhiều chuyên gia trên thế giới nhận định hiện còn quá sớm để đánh giá chiến lược chống dịch của quốc gia nào là thành công hơn, cho tới khi có vaccine hoặc cách điều trị hiệu quả để kiểm soát nCoV.
"Đừng đếm số thương vong cho tới khi cuộc chiến này kết thúc", tiến sĩ Johan Giesecke khẳng định.