Châu Âu quay lưng với Mỹ giữa đại dịch. 76% người Đức gần đây cho biết quan điểm của họ về Mỹ đã xấu đi vì Covid-19, trong khi tỷ lệ này với Trung Quốc chỉ là 36%.
Cũng theo cuộc khảo sát do tổ chức phi lợi nhuận Korber-Stiftung tiến hành này, chỉ 37% người Đức cho rằng duy trì quan hệ gần gũi với Mỹ quan trọng hơn. Mặc dù cao hơn một chút so với tỷ lệ 36% nghiêng về Trung Quốc, đây lại là bước lùi lớn so với năm ngoái, khi 50% người Đức ủng hộ ưu tiên duy trì quan hệ với Mỹ, còn Trung Quốc chỉ có 24%.
Trong một câu hỏi khác, chỉ 10% người Đức coi Mỹ là đối tác toàn cầu quan trọng nhất của họ, thấp hơn khá nhiều so với con số 19% năm ngoái. Tỷ lệ tương ứng với Trung Quốc là 6%, chỉ giảm 1% so với năm trước.
Cuộc khảo sát do công ty phân tích dữ liệu YouGov tiến hành tại Anh cuối tháng trước cũng cho kết quả tương tự. Khi được hỏi Anh nên củng cố quan hệ với châu Âu hay Mỹ, 35% người Anh cho rằng nên ưu tiên châu Âu, tăng 6% so với tháng 11/2019, và chỉ 13% trả lời là Mỹ, bất chấp việc Anh vừa rời Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng một.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Watford, Anh hồi tháng 12/2019. Ảnh: Reuters.
Theo bình luận viên Adam Bienkov của Business Insider, những kết quả thăm dò này chứng minh cảm tình của châu Âu với Mỹ sụt giảm rõ ràng kể từ khi Covid-19 bùng phát. Tổng thống Donald Trump được cho là đang khiến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế bị lu mờ, trong khi các nước châu Âu dường như ngày càng hướng về phía Trung Quốc như một lãnh đạo toàn cầu tương lai.
Bienkov nhận định cách Trump xử lý đại dịch khiến toàn cầu ngỡ ngàng, như việc đề xuất nghiên cứu chiếu tia cực tím hoặc tiêm thuốc khử trùng cho người nhiễm nCoV để tiêu diệt virus. Bình luận này được cho là gây ra sự hoài nghi và hoảng hốt trên diện rộng tại nhiều nước châu Âu.
"Hơn hai thập kỷ qua, Mỹ đã làm dấy lên vô vàn cảm xúc cho toàn thế giới, bao gồm cả yêu mến và thù hận, sợ hãi và hy vọng, ghen tỵ và khinh miệt, dè chừng và phẫn nộ. Tuy nhiên, có một cảm xúc đối với Mỹ chưa từng xuất hiện cho tới bây giờ, đó là thương hại", bình luận viên Fintan O'Toole của Irish Times tháng trước cho hay.
Những báo cáo tiết lộ Trump từng cố gắng mua độc quyền một loại vaccine chống Covid-19 tiềm năng đang được phát triển tại Đức cũng khiến châu Âu tức giận. Tổng thống Mỹ bị cáo buộc đề nghị trả một tỷ USD cho tập đoàn dược phẩm Cure-Vac của Đức, nhằm đảm bảo vaccine "chỉ dành cho Mỹ".
Nhà Trắng phủ nhận các cáo buộc và Cure-Vac từ chối bình luận về những đồn đoán liên quan đến họ. Tuy nhiên, Claudia Major, nhà phân tích tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế ở Berlin, cho rằng "mọi người đều nghĩ Trump có khả năng làm như vậy", bất kể sự thật ra sao.
Những hành động của Trump trong quá trình ứng phó Covid-19 dường như càng thổi bùng cảm xúc tiêu cực đối với ông vốn đã lan rộng tại châu Âu. Một cuộc khảo sát tuần trước cho thấy chỉ 2% người Pháp tin Tổng thống Mỹ sẽ là người lãnh đạo thế giới.
Bienkov đánh giá không chỉ người dân, mà chính phủ các nước châu Âu cũng đang thay đổi thái độ và "quay lưng" với Mỹ, như việc một loạt quốc gia hợp tác với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei để phát triển mạng 5G.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người được cho là từng khiến Trump tức giận hồi đầu năm vì phớt lờ cảnh báo của ông về Huawei, vẫn thúc đẩy những kế hoạch cho phép tập đoàn này phát triển mạng 5G tại Anh. Vài quốc gia châu Âu khác cũng đang tiến tới những thỏa thuận tương tự, bất chấp đe dọa gay gắt từ chính quyền Trump về một cuộc chiến thương mại mới.
Châu Âu được cho là còn phải chịu áp lực ngoại giao từ phía Bắc Kinh. EU gần đây bỏ phần đề cập tới "chiến dịch thông tin sai lệch toàn cầu" của chính phủ Trung Quốc trong báo cáo về Covid-19. Ba nguồn tin tiết lộ với Politico rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tác động tới EU thành công, giúp thay đổi nội dung báo cáo.
Theo bình luận viên Bienkov, châu Âu dè dặt chỉ trích Trung Quốc một phần bởi sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh. Báo cáo gần đây của ngân hàng GP Bullhound cho thấy sau khi thị trường châu Âu tái mở cửa, Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ trong việc đầu tư vào các công ty công nghệ châu Âu, lần đầu tiên kể từ năm 2018.
Trung Quốc còn mở rộng đầu tư sang những lĩnh vực khoa học thiết yếu. Huawei gần đây được cho là đã đầu tư hơn 6 triệu USD vào một trung tâm công nghệ mới tại Đại học Hoàng gia London ở Anh. Khoản đầu tư này gây tranh cãi, bởi các nhà khoa học của trường đóng vai trò tư vấn chủ đạo cho chính phủ Anh về phản ứng với Covid-19.
Bienkov nhận định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chìm vào suy thoái sâu sắc, các chính phủ châu Âu, tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp rõ ràng ngày càng trông cậy vào sự hỗ trợ và đầu tư của Trung Quốc.
Cùng với việc nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Trump gây ấn tượng xấu cho công chúng châu Âu, sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể khiến Mỹ phải trả giá, Bienkov nhận định.