Dù chỉ mới năm 2019, khoa học còn đánh giá đây là lỗ thủng nhỏ nhất tại khu vực này kể từ năm 1982.
Science Alert đưa tin, lỗ thủng tầng ozone tại Nam Cực hiện tại đang trở thành một trong những lỗ hổng lớn kỷ lục trong những năm gần đây.
Chỉ mới năm 2019, các nhà khoa học đánh giá lỗ thủng này đạt mốc nhỏ nhất trong năm kể từ khi được theo dõi vào năm 1982. Tuy nhiên với các hiện tượng khí hậu bất thường của năm 2020, nó đang lớn lên đến không ngờ.
"Quan sát của chúng tôi cho thấy lỗ thủng tầng ozone tại Nam Cực đã nở ra rất nhanh từ giữa tháng 8, và hiện đã phủ lên gần hết diện tích của châu lục này," - Diego Loyola, quản lý dự án tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức giải thích.
Các đánh giá cho thấy, số liệu thu được từ vệ tinh đã chỉ ra lỗ hổng này đã đạt đỉnh với kích cỡ 25 triệu km2 từ ngày 2/10/2020. Hiện tại, nó chỉ thua kỷ lục ghi nhận vào năm 2015 là 25,6km2 mà thôi.
"Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kích cỡ của lỗ thủng tầng ozone mỗi năm," - trích lời chuyên gia khí tượng Vincent-Henri Peuch từ Trung tâm Dự báo thời tiết châu Âu. "Lỗ thủng năm 2020 cũng tương tự như năm 2018, và có kích cỡ lớn trong vòng 15 năm trở lại đây."
Trên thực tế, lỗ thủng ozone tại Nam Cực có xu hướng co lại hoặc phình lên mỗi năm, phụ thuộc vào nhiệt độ tầng bình lưu. Khi các đám mây tầng bình lưu được hình thành ở nhiệt độ dưới âm 78°C, phản ứng hóa học với bức xạ Mặt trời sẽ phá hủy các phân tử ozone, và nới rộng lỗ thủng ra.
"Với việc nắng ấm quay trở lại Nam Cực trong vài tuần qua, chúng ta lại chứng kiến lượng ozone sụt giảm trên toàn khu vực," - Peuch cho biết.
"Sau khi có một lỗ thủng nhỏ 'bất thường' và cũng 'yểu mệnh' của năm 2019 - chủ yếu do hiệu ứng khí tượng đặc biệt, chúng ta lại phải chứng kiến một lỗ thủng lớn hơn trong năm nay. Điều này có nghĩa cần phải tiếp tục áp dụng Nghị định thư Montréal về việc cấm thải hóa chất gây hại cho tầng ozone."
Nghị định thư Montréal là một cột mốc đáng nhớ của con người đối với môi trường, khi chỉ ra được hóa chất chlorofluorocarbon (CFC) - vốn được dùng phổ biến trong các thiết bị làm lạnh trước kia - có thể phá hủy các phân tử ozone khi tiếp xúc với Mặt trời. Và dù biết được rằng cần phải làm gì để ngăn quá trình này, việc lỗ thủng biến động những năm qua cho thấy quá trình hồi phục của tầng ozone vẫn là rất dài.
Dù lỗ thủng năm 2020 chưa phải là lớn nhất (kỷ lục vẫn đang là năm 2000, với kích cỡ lên tới gần 30 triệu km2), thì đây vẫn là một lỗ hổng lớn, phá rất sâu mức trung bình trong những năm qua. Nguyên nhân được chỉ ra là bởi một đợt xoáy cực - hiện tượng gió xoáy khiến nhiệt độ tầng bình lưu Nam Cực trở nên thấp hơn. Trong khi đó năm 2019, việc nhiệt độ tăng cao đã giúp chúng ta có được một lỗ thủng nhỏ nhất suốt 20 năm.
Nhìn chung, có lẽ lỗ thủng tầng ozone sẽ khó mà phục hồi trong một sớm một chiều. Chỉ là trong dài hạn, nếu chúng ta duy trì được các quy định về việc cấm phát thải hóa chất có hại, tương lai ấy hoàn toàn có thể đạt được.
VietBF @ Sưu tầm