NASA chia sẻ hình ảnh hiếm gặp hé lộ quy mô đào vàng trái phép trong rừng mưa Amazon ở Peru.
Bức ảnh phản ánh tác động từ hoạt động khai thác vàng ở bang Madre de Dios. Ảnh: NASA.
Hình ảnh những dòng sông vàng lấp lánh chảy qua rừng mưa Amazon ở bang Madre de Dios phía đông Peru thực chất là hố thăm dò, nhiều khả năng do thợ mỏ đơn độc để lại, theo Đài quan sát Trái Đất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nơi chia sẻ bức ảnh chụp bởi phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Các hố này thường khuất tầm nhìn khi quan sát từ ISS nhưng trở nên nổi bật trong bức ảnh do ánh nắng Mặt Trời phản chiếu. Bức ảnh hé lộ sông Inambari và vô số hố thăm dò bao quanh bởi vùng rừng đã bị chặt phá.
Đào vàng là kế sinh nhai của hàng nghìn người ở Madre de Dios, biến nơi này thành một trong những ngành công nghiệp khai thác mỏ trái phép lớn nhất thế giới, theo NASA. Khai thác mỏ cũng là tác nhân lớn nhất dẫn tới chặt phá rừng trong vùng, và thủy ngân dùng để đãi vàng gây ô nhiễm nguồn nước.
Hoạt động thăm dò vàng trong vùng đã mở rộng từ khi thông xe đường cao tốc liên đại dương phía nam năm 2011, khiến khu vực trở nên dễ tiếp cạn hơn. Con đường duy nhất nối giữa Brazil và Peru giúp đẩy mạnh thông thương và du lịch, nhưng chặt phát rừng có thể là hậu quả lớn nhất từ dự án đường cao tốc. Bức ảnh do NASA chia sẻ đầu tháng 2/2021 được chụp vào ngày 24/12/2020.
Madre de Dios là một nhánh nguyên sơ của rừng Amazon với diện tích bằng bang South Carolina, Mỹ, nơi sinh sống của nhiều loài vẹt đuôi dài, khỉ, báo đốm và bướm. Nhưng trong khi vài nơi ở Madre de Dios như vườn quốc gia Tambopata National Reserve, được bảo vệ trước hoạt động khai thác mỏ, hàng trăm kilomet vuông rừng trong khu vực đã trở thành đất hoang cằn cỗi độc hại. Giá vàng ngày càng tăng trong những năm gần đây thôi thúc hàng chục nghìn người Peru đổ xô tới đào vàng.
Tháng 1/2019, một nghiên cứu khoa học phát hiện hoạt động chặt phá rừng để đào vàng phá hủy ước tính 9.280 hecta đất rừng Amazon ở Peru năm 2018, theo tổ chức Theo dõi dự án Andes Amazon (MAAP). Đó là diện tích rừng bị chặt phá hàng năm cao nhất từ năm 1985, theo nghiên cứu của Trung tâm sáng kiến khoa học Amazon thuộc Đại học Wake Forest. Số liệu trên của MAAP cũng vượt xa mức kỷ lục 9.160 hecta đất rừng bị thợ đào vàng chặt phá vào năm 2017, tương đương hơn 34.000 sân bóng đá.