Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể dùng các hạ tầng cáp biển cho mục đích gián điệp.
Một dự án xây dựng tuyến cáp quang biển tại các hòn đảo tại Thái Bình Dương vừa từ chối cả 3 công ty gửi hồ sơ dự thầu. Theo Nikkei, trong số đó có một công ty Trung Quốc với mức phí thầu rất thấp.
Dự án xây dựng tuyến cáp biển nối các đảo quốc Micronesia, Kiribati và Nauru được bắt đầu từ năm 2020, với nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. Kinh phí cho dự án này là 54,45 triệu USD, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.
Nhiều quốc gia lo ngại các tuyến cáp biển có thể bị sử dụng để theo dõi thông tin. Ảnh: Getty.
Theo kế hoạch ban đầu, tuyến cáp quang này sẽ được nối với cáp quang qua đảo Guam. Tuy nhiên, sau đó nhiều nước đã lên tiếng về lo ngại tuyến cáp quang có thể bị sử dụng cho mục đích gián điệp. Mỹ, Australia và Nhật đều bày tỏ lo ngại về dự án này, và hướng sự cảnh báo tới Trung Quốc.
Vào tháng 5/2020, công ty NEC của Nhật Bản, Alcatel Submarine Networks của Pháp và Huawei Marine của Trung Quốc đều gửi hồ sơ dự thầu. Trong số các công ty dự thầu, NEC và Alcatel Submarine Networks nằm trong nhóm 3 nhà cung cấp mạng cáp quang lớn nhất thế giới, chiếm tới hơn 90% thị phần.
Tuy nhiên, Huawei Marine lại có giá bỏ thầu thấp hơn các đối thủ, và đây được coi là một lợi thế cạnh tranh của công ty này.
Đến cuối tháng 2, liên doanh quản lý dự án cho biết gói thầu của cả 3 công ty đều không được chấp nhận bởi không đáp ứng các điều kiện đặt ra từ trước. Trả lời Nikkei, đại diện của Huawei Marine cho biết công ty này đã được thông báo chính thức và rất tiếc vì không thể tiếp tục tham gia.
Theo Nikkei, đã có sự tác động từ Nhật, Mỹ và Australia để liên doanh quản lý, 3 quốc đảo và Ngân hàng Thế giới đánh giá lại dự án này.
Huawei Marine từng là một công ty con của Huawei Technologies, hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc. Năm 2019, Huawei và các nhà đầu tư của Huawei Marine đã đồng ý bán lại công ty này cho Hengtong Group, một tập đoàn khác của Trung Quốc.
Cả Nauru và Kiribati hiện đều chưa được nối mạng cáp quang biển. Đây là hạ tầng mạng quan trọng, chiếm tới 90% lưu lượng toàn cầu. Nhu cầu sử dụng mạng càng tăng cao trong năm qua do Covid-19. Các quốc đảo có thể sẽ mở lại quy trình mời thầu xây dựng cáp quang, nhưng các công ty Trung Quốc có thể sẽ không được tham dự.
"Trung Quốc có ý định kiểm soát mạng cáp quang tại khu vực phía Tây Hawaii của Thái Bình Dương. Có khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố quy trình thầu sai trái", Giáo sư ngành Hành chính công Motohiro Tsuchiya tại đại học Keio, Nhật Bản chia sẻ.
Các xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển hạ tầng mạng tại nhiều khu vực. Năm 2020, Facebook cho biết họ đã dừng dự án cáp quang biển nối từ California tới Hong Kong vì những lo ngại của chính phủ Mỹ.
VietBF @ Sưu tầm