Bị đái tháo đường không có nghĩa là bị đường huyết cao và phải ăn kiêng để không có đường huyết tăng. Việc bỏ bữa ăn là yếu tố nguy cơ lớn của hạ đường máu và có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo điều tra dịch tễ năm 2014, có gần 2/3 số bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam được phát hiện bệnh tình cờ.
Vì vậy, để được phát hiện sớm, những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường sau đây nên đi khám bệnh định kỳ hàng năm: người thừa cân hoặc béo phì; người có tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc có bệnh tim mạch; người có người thân trong gia đình bị đái tháo đường type 2; phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ hoặc đẻ con to trên 4 kg; người đã được chẩn đoán mắc tiền đái tháo đường…
Người bị bệnh đái tháo đường có các triệu chứng như tiểu nhiều, khát nước và gầy sút, một số người hay bị đói nên ăn nhiều. Tuy nhiên, có rất nhiều người bệnh đái tháo đường type 2 có thể không hề có triệu chứng nào trong thời gian dài và họ chỉ biết mình bị bệnh đái tháo đường khi đi khám sức khỏe, hoặc đi khám vì có các biến chứng của đái tháo đường như đục thủy tinh thể, tê bì chân tay, loét chân lâu lành hoặc nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não.
Tuyệt đối không được bỏ bữa
Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, điều trị bệnh đái tháo đường gồm 3 trụ cột là: chế độ ăn, tập luyện thể lực và dùng thuốc. Bên cạnh mục tiêu kiểm soát tốt đường máu thì người bệnh đái tháo đường phải chú ý giữ gìn sức khỏe để có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Vì vậy, nên tập thể dục thể thao và kiểm soát chế độ ăn phù hợp, không nên quá khắt khe để tránh nguy cơ bị mệt mỏi, dễ bị hạ đường máu.
Một nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường là phải duy trì các bữa ăn đầy đủ, đều đặn hàng ngày, tuyệt đối không được bỏ bữa vì bỏ bữa ăn là yếu tố nguy cơ lớn của hạ đường máu.
Bỏ bữa ăn sáng càng nguy hiểm vì dễ gây hạ đường máu ban ngày hơn do buổi sáng là thời điểm chúng ta làm việc và gắng sức nhiều, cần nhiều glucose và năng lượng nhất.
Theo hướng dẫn điều trị của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2021, những bệnh nhân đái tháo đường nên duy trì đường huyết trước bữa ăn từ 4,4 - 7,2 mmol/l và đường huyết sau ăn (từ 1-2h) là dưới 10 mmol/l. Tuy nhiên, đây chỉ là mục tiêu đường huyết cho những người bệnh đái tháo đường nói chung, còn tùy mỗi người sẽ có mục tiêu đường huyết cụ thể cao hơn hoặc thấp hơn mức trên.
Ảnh minh họa.
Cảnh giác các dấu hiệu hạ đường máu
TS.BS Nguyễn Quang Bảy cho hay: Hạ đường máu là tình trạng nồng độ đường glucose trong máu hạ quá thấp, xuống dưới 3,9 mmol/L. Nó khiến cơ thể bị thiếu năng lượng và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, đặc biệt là não, hệ thần kinh và hệ tim mạch.
Ở giai đoạn sớm, hạ đường máu nhẹ sẽ gây ra các triệu chứng như đói, run chân tay, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực. Nếu không được phát hiện và điều trị, đường máu hạ thấp hơn sẽ gây ra các dấu hiệu thần kinh do não thiếu glucose như đau đầu, hoa mắt, lơ mơ, một số trường hợp nặng có thể bị hôn mê và co giật.
Nồng độ glucose trong máu sẽ dao động thường xuyên, lúc cao lúc thấp giống như khi chúng ta đi xe máy trên đường, lúc nhanh lúc chậm, nhưng chỉ trong phạm vi hẹp từ khoảng 5 - 8 mmol/L. Tuy nhiên ở người bệnh đái tháo đường, do tác động của bản thân bệnh (như thiếu insulin), dùng thuốc hạ đường máu và chế độ ăn thất thường sẽ khiến đường máu dao động nhiều hơn.
Hậu quả của đường máu dao động nhiều là làm tăng các stress oxy hóa gây các biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh... và làm tăng nguy cơ hạ đường máu.
VietBF@sưu tập