Kaola, 30 tuổi, nhân viên ngành công nghệ thông tin, luôn tự ti về đôi chân đã quyết định cắt bỏ một số dây thần kinh bắp chân để chân thon gọn hơn dù đối mặt nguy cơ vĩnh viễn không thể chạy nhảy.
Thời 20 tuổi, cô thử đủ cách để chân thon gọn hơn, như ăn kiêng, luyện tập, thậm chí hút mỡ, nhưng không bao giờ hài lòng.
Vì vậy, hồi tháng 2, Kaola quyết định thực hiện một phương pháp điều trị đầy rủi ro đang gây xôn xao ở Trung Quốc, đó là phẫu thuật thu nhỏ bắp chân bằng cách cắt đứt một số dây thần kinh, khiến cơ teo lại và nếu suôn sẻ, bắp chân sẽ thon thả hơn.
Loại phẫu thuật này phát triển tại Hàn Quốc những năm 1990 và từ đó lan sang những khu vực Đông Á khác, nơi quan niệm vẻ đẹp tiêu chuẩn của phụ nữ là mảnh mai, ít cơ bắp.
Một ca phẫu thuật thu gọn bắp chân tại phòng khám ở Trung Quốc. Ảnh: Weibo/Xiuzhi.
Nhiều phòng khám, bệnh viện ở Trung Quốc đang quảng cáo rầm rộ về loại phẫu thuật này, ca ngợi nó là giải pháp tức thì cho những ai muốn có thân hình hoàn hảo.
"Cuộc phẫu thuật sẽ khiến đôi chân bạn lập tức thon gọn, dài hơn, thẳng hơn! Bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về đôi chân đầy cơ bắp nữa", là một quảng cáo đăng trên mạng xã hội Weibo Trung Quốc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy đa số bệnh nhân thực hiện phẫu thuật ít gặp tác dụng phụ, nhưng nếu phẫu thuật thất bại, có thể bị đau đớn vĩnh viễn, thậm chí mất khả năng vận động.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc chưa phê chuẩn loại phẫu thuật này. Các chuyên gia y tế Trung Quốc cũng cảnh báo quy trình phẫu thuật tiềm tàng nhiều nguy hiểm.
"Điều không thể kiểm soát là chúng tôi, những bác sĩ phẫu thuật, thường không biết nên cắt bao nhiêu dây thần kinh là phù hợp, bởi cơ bắp chân rất phức tạp", Xue Hongyu, trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh viện số 3 thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói.
Nhưng điều này không thể ngăn cản ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc thực hiện phẫu thuật thon gọn bắp chân và nhiều thủ thuật xâm lấn khác. Ngành phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc phát triển thành ngành có quy mô lớn nhất thế giới trong những năm gần đây, dự đoán đạt 46 tỷ USD năm 2025.
Trước đây, phụ nữ Trung Quốc, đối tượng chiếm khoảng 90% lượng bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ của đất nước, thường lựa chọn các loại phẫu thuật trên khuôn mặt như cắt mí mắt hoặc sửa mũi. Nhưng bây giờ nhu cầu đối với các loại phẫu thuật khác mạo hiểm hơn ngày càng tăng.
Thu nhỏ bắp chân, phẫu thuật tai giống "yêu tinh" và tái tạo bộ phận sinh dục là những loại phẫu thuật đang trở thành xu hướng bây giờ, khi phụ nữ cảm thấy áp lực ngoại hình ngày càng tăng.
Kaola cho biết cô hiểu rõ phẫu thuật thu gọn bắp chân không đảm bảo, nhưng vẫn quyết định làm. Khát khao về một đôi chân thon thả từ nhỏ quá hấp dẫn khiến Kaola không thể cưỡng lại.
"Tất nhiên, tôi biết phẫu thuật sẽ gây hại cho sức khỏe khi quyết định làm thẩm mỹ", Kaola nói. "Nhưng mong mỏi đã vượt qua nỗi sợ".
Kaola làm việc cho một công ty Internet tại Thượng Hải. Cô ghét cơ thể mình do cảm giác bất an suốt nhiều năm bị người thân và người quen chê bai cân nặng. Tủ đồ của Kaola có rất ít váy áo, quần soóc, nhưng rất nhiều váy dài che bắp chân.
"Chân tôi to hơn nhiều so với đa số phụ nữ thân hình cùng cỡ", Kaola nói. "Tôi buồn nhất mỗi lần thử quần áo mới, cực kỳ căng thẳng khi không thể mặc vừa quần áo đẹp".
Kaola đã trả 30.000 tệ (4.600 USD) cho phẫu thuật loại bỏ dây thần kinh bắp chân tại một phòng khám tư ở Thượng Hải có tên TG Young. Kết quả không khả quan.
Hơn ba tháng sau phẫu thuật, bắp chân của Kaola vẫn như cũ. Chỉ có một điều thay đổi là bây giờ cô thỉnh thoảng cảm thấy đau chân và khó khăn hơn khi chạy bộ so với lúc trước.
Những phụ nữ Trung Quốc khác cho hay phải chịu tác dụng phụ tương tự sau khi phẫu thuật cắt dây thần kinh bắp chân, làm dấy lên cuộc thảo luận trên mạng xã hội và thu hút hơn 320 triệu lượt xem trên Weibo.
Những câu chuyện này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về quy định lỏng lẻo của ngành thẩm mỹ Trung Quốc, vốn nổi tiếng với những chiến thuật tiếp thị khoa trương và nhiều ca phẫu thuật thất bại.
Đóng vai một khách hàng tiềm năng, phóng viên của Sixth Tone tới TG Young hỏi phẫu thuật thu nhỏ bắp chân. Nhân viên cho hay đây là mốt trong thời gian gần đây, nhưng khuyên không nên thực hiện bởi một số người sau khi phẫu thuật không thể tập thể dục cường độ cao.
Khi được hỏi tại sao TG Young không đề cập tới rủi ro sức khỏe trong quảng cáo trên mạng xã hội, nhân viên bán hàng trả lời: "Rất nhiều thứ trên mạng nghe hay. Chúng tôi cũng phải quảng cáo thật hay trên mạng xã hội".
Phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh bắp chân không phải mốt thẩm mỹ duy nhất khiến các chuyên gia y tế Trung Quốc lo lắng. Các phòng khám cũng quảng cáo loại hình tái tạo bộ phận sinh dục nữ, khiến cơ quan sinh dục hồng hào hơn, hấp dẫn hơn.
"Chất lượng đời sống tình dục của bạn liên quan mật thiết tới màu sắc cơ quan sinh dục", một bác sĩ tại một phòng khám khác ở Thượng Hải nói.
Phía sau cô là bức tường trang trí đầy áp phích quảng cáo "hãy làm tình với bộ phận sinh dục hồng hào như trước", hay "hồng, nhưng tươi hơn, đẹp hơn".
Theo báo cáo của Gengmei, một nền tảng phẫu thuật thẩm mỹ, thị trường phẫu thuật bộ phận sinh dục nữ tại Trung Quốc đã tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2019.
Tái tạo bộ phận sinh dục nữ bao gồm nhiều thủ thuật. Các loại phẫu thuật phổ biến bao gồm sử dụng laser để loại bỏ sắc tố melanin khỏi môi âm hộ, tiêm chất béo vào thành âm đạo để khiến âm đạo khít chặt hơn, cắt bỏ môi âm hộ phì đại.
Nhưng Trung Quốc có rất ít bác sĩ có giấy phép hành nghề được đào tạo chuyên môn tái tạo bộ phận sinh dục nữ. Một bài báo năm 2021 trên Tạp chí Phẫu thuật Thẩm mỹ Trung Quốc cho hay cần "cấp bách" thiết lập tiêu chuẩn cho loại hình phẫu thuật này.
Theo Xue, trưởng khoa thẩm mỹ bệnh viện số 3 thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, bác sĩ chưa được đào tạo có nguy cơ tiêm chất béo vào hệ thống mạch máu, gây tắc mạch phổi.
Trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích những phụ nữ thực hiện các loại phẫu thuật như cắt bỏ dây thần kinh bắp chân, thay vì đổ lỗi cho áp lực xã hội hoặc sơ suất của cơ quan quản lý.
"Trời ơi, tại sao họ không chặt chân luôn đi? Làm thế còn dễ hơn đấy?" là một bình luận được nhiều người ủng hộ trên Weibo.
Tuy nhiên, Chelse Yang, một cố vấn sức khỏe tâm thần tại Baltimore, Mỹ, chuyên về hình ảnh cơ thể, cho hay sự phát triển của mạng xã hội là một yếu tố chính thúc đẩy cái mà cô gọi là "cơn sốt phẫu thuật thẩm mỹ toàn thân" ở Trung Quốc.
"Nhìn bề ngoài, có vẻ như những phụ nữ này tình nguyện thay đổi ngoại hình nhưng lý do đằng sau chính là áp bức mà họ nhận được từ xã hội nam quyền", Yang nói.
Những năm gần đây, những người có ảnh hưởng tại Trung Quốc đã thúc đẩy hàng loạt thử thách khắc nghiệt nhằm chứng minh họ có thân hình hoàn hảo, như che kín vòng eo bằng một tờ giấy khổ A4.
Theo Yang, xu hướng này khiến nhiều phụ nữ nảy sinh tư tưởng về hình ảnh cơ thể không lành mạnh. Cô ước tính hơn 85% khách hàng Trung Quốc của mình gặp vấn đề về hình thể là nữ.
"Mạng xã hội đóng vai trò rất lớn đối với ngoại hình", Yang nói. "Số lượt thích và bình luận giờ là thước đo giá trị của một cá nhân".
Về phần mình, Kaola vẫn không nguôi ý định thẩm mỹ dù phẫu thuật thất bại. Cô dự định tiêm botulinum để làm chân mảnh mai hơn.
"Tôi mong chờ ngày có thể bỏ những chiếc váy dài, khoác lên người váy ngắn", cô nói.
VietBF@sưu tập