Nồi cơm điện đã trở thành vật dụng quen thuộc, gắn bó với chị em trong các bữa ăn gia đình. Nhưng liệu chị em có tự tin là mình đã dùng đúng cách chưa?
Vo gạo trực tiếp trong lòng nồi
Đây là sai lầm nhiều người mắc phải nhất vì tin rằng hành động này vô hại. Thế nhưng trong lòng nồi cơm điện luôn có một lớp bảo vệ bề mặt để việc nấu ăn mang đến an toàn cho người dùng.
Việc vo gạo trực tiếp trong lòng nồi có thể khiến bề mặt bảo vệ bị trầy xước, giảm tính thẩm mỹ của nồi cơm điện đồng thời khiến nồi mất an toàn. Đặc biệt là với nồi chống dính.
Tốt nhất là bạn hãy dùng rá vo gạo trước khi cho vào nồi nấu.
Dùng ổ cắm sai công suất
Cắm chung ổ điện nồi cơm điện với các thiết bị có công suất lớn như lò nướng, tủ lạnh,… có thể dẫn đến tình trạng điện quá tải gây chập cháy.
Tốt nhất bạn nên dùng ổ cắm riêng biệt với các thiết bị trên để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
Không lau khô lòng nồi trước khi nấu
Để nồi cơm điện còn ướt có thể gây tổn hại rờ le nhiệt của nồi cơm điện vì nước có thể gây cháy xém hay đen thành vỏ nồi và mâm nhiệt đáy dẫn đến giảm tính thẩm mỹ và nguy cơ chập cháy khi rò rỉ điện, giảm độ bền của nồi.
Tốt nhất là bạn hãy lau khô mặt ngoài của lòng nồi cơm điện trước khi nấu.
Lấy cơm bằng dụng cụ kim loại
Dùng các dụng cụ kim loại để lấy cơm có thể làm trầy xước, bong tróc lớp vỏ bảo vệ/lớp chống dính của nồi cơm.
Muốn bảo vệ nồi cơm điện nhà mình thì tốt nhất bạn nên dùng muỗng, đũa gỗ hoặc nhựa khi lấy cơm.
Đặt lòng nồi vào nồi nấu bằng 1 tay
Lòng nồi có thiết kế hơi lõm, nếu bạn đặt vào nồi nấu bằng 1 tay có thể khiến rờ le nhiệt tiếp xúc không đều dẫn đến cơm bên sống bên chín. Ngoài ra, việc này cũng có thể khiến rờ le nhiệt bị hỏng do tiếp xúc, khiến nồi cơm điện hoạt động không còn ổn định.
Tốt nhất là đặt lòng nồi vào nồi nấu bằng 2 tay, xoay nửa vòng trái/phải để rờ le tiếp xúc đều, cơm chín ngon.
Vệ sinh nồi cơm điện sai cách
Nếu bạn vệ sinh lòng nồi cơm khi vẫn còn ấm nóng hoặc dùng miếng rửa sắt để lau chùi lòng nồi thì sẽ làm hư hại lớp chống dính, lớp bảo vệ.
Tốt nhất bạn hãy đợi nồi cơm nguội bớt mới dùng miếng cọ rửa mềm để lau chùi vệ sinh. Trường hợp lòng nồi có cơm thừa khô và dính, khó làm sạch thì bạn ngâm nước một lát để làm mềm trước khi rửa.