Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng tóc hậu Covid-19. Một trong những yếu tố chính là stress khi mắc bệnh.
GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng tóc hậu Covid-19. Một trong những yếu tố chính là stress khi mắc bệnh.
Người mắc Covid-19 cần tắm và gội đầu một cách khoa học, tránh rụng tóc. Ảnh minh họa.
Người hồi phục Covid-19 cần thay đổi lối sống phù hợp, tập thể dục nhẹ nhàng, giúp máu lưu thông, tăng giãn lỗ chân lông và toát mồ hôi. Từ đó, giúp tăng nuôi dưỡng hệ lông - tóc - móng.
Nguyên nhân rụng tóc
F0 đã khỏi bệnh vẫn có thể gặp hàng loạt triệu chứng hậu Covid-19, kéo dài từ 2 - 6 tháng như: Sốt, ho, khó thở, mệt mỏi, tim đập nhanh, đau cơ bắp, rụng tóc, rối loạn nội tiết… Một số triệu chứng có thể tự khỏi.
Trong khi đó, một số biến chứng sau Covid-19 có thể diễn biến nặng, gây ảnh hưởng sức khỏe. Rụng tóc sau khi khỏi Covid-19 là di chứng nhiều người gặp. Một khảo sát ở Mỹ cho thấy, trong 6 tháng xảy ra dịch Covid-19, số người đến khám vì rụng tóc tăng gấp 3 lần so với trước.
TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Bệnh viện Bỏng Quốc gia, người thành lập nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ chăm sóc điều trị F0 tại nhà cho biết, khoảng 20 - 30% người sau khi khỏi Covid-19 gặp di chứng rụng tóc từ 3 - 6 tháng, kể cả những người có triệu chứng nhẹ.
Theo TS Tuấn, đây là con số dựa trên các trường hợp ông được tiếp cận, không phải là khảo sát chính thức. Hiện, chưa có nghiên cứu chính thức nào tại Việt Nam về di chứng Covid-19, bao gồm tình trạng rụng tóc. Các con số công bố hiện nay về di chứng Covid-19 được ghi nhận trên thực tế khám chữa bệnh ở một số bệnh viện.
TS Tuấn giải thích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng tóc. Một trong những yếu tố chính là stress khi mắc bệnh. Trong vòng 2 - 3 tháng bị căng thẳng, tóc bắt đầu rụng. Tóc sẽ mọc lại sau khi trải qua tình trạng rụng (telogen effluvium). Quá trình này thường mất từ 3 - 6 tháng. Hiện, chưa có bằng chứng cho thấy quá trình điều trị Covid-19 trực tiếp gây ra tình trạng rụng tóc. Thay vào đó, có thể do stress khi nhiễm bệnh dẫn đến rụng tóc.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103, thành viên nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ chăm sóc điều trị F0 tại nhà giải thích, có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc hậu Covid-19. Trong đó, sốt cao, mệt mỏi có thể làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tăng viêm nhiễm. Đồng thời, gây ngứa da đầu, khiến người bệnh gãi nhiều.
Ngoài ra, stress do cách ly lâu, quá lo lắng gây áp lực lớn, không có ai chia sẻ động viên cũng là nguyên nhân gây rụng tóc. Bởi, cơ thể sinh ra các hoormone chống stress.
Những hoormone này gây hại cho hệ lông tóc móng, co thắt mạch, khít lỗ chân lông, làm giảm nuôi dưỡng tóc. Covid-19 cũng khiến người bệnh mệt mỏi, gây chán ăn, mất vị giác, khứu giác, rối loạn tiêu hóa, giảm chất dinh dưỡng nuôi tóc.
“Quan niệm sai về vấn đề kiêng kỵ tắm, gội gây ngứa và viêm nhiễm, nấm da đầu, gây đứt gãy chân tóc. Có thể một số thuốc điều trị Covid-19 gây rụng tóc như thuốc chống đông enoxaparin. Nhiễm Covid-19 nặng gây tổn thương đa cơ quan suy gan, thận... hoặc bệnh lý đi kèm”, bác sĩ Cường nêu.
Lưu ý khi rụng tóc trên 6 tháng
Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ Mạnh Cường khuyến cáo, mọi người cần thay đổi lối sống phù hợp. Cụ thể, nên tập thể dục nhẹ nhàng, giúp máu lưu thông, tăng giãn lỗ chân lông và toát mồ hôi. Từ đó, giúp tăng nuôi dưỡng hệ lông - tóc - móng. Bên cạnh đó, cần tắm và gội đầu một cách khoa học. Chuyên gia lưu ý, khi tắm, cần dùng nước ấm 30 - 35 độ C.
Với trẻ mắc Covid-19, phụ huynh lưu ý không tắm cho bé khi con đang sốt, hoặc cơ thể quá yếu và mệt. Nên dùng nước ấm để lau người khi trẻ đang sốt, nới lỏng quần áo. Việc tắm và gội đầu cách ngày có thể giúp tinh thần thoải mái lạc quan.
Song, nên tắm và gội nhanh trong khoảng 5 - 10 phút, tránh nhiễm lạnh. F0 cần tắm ở nơi kín gió, lau khô người và mặc quần áo thoáng sau tắm. Đồng thời, sấy khô tóc bằng tốc độ gió vừa. Sấy nóng ở khoảng cách đủ ấm.
Bệnh nhân Covid-19 cũng cần có chế độ ăn hợp lý. Trong đó, việc bổ sung protein là cơ sở cho hệ lông - tóc - móng. Đồng thời, bổ sung các vitamin C, E, D, B12, B1, sắt, kẽm, acid folic, vitamin B1.
Người rụng tóc hậu Covid-19 được khuyến cáo tránh dùng các loại dầu gội đầu có PH không phù hợp, ít có tính chất tẩy rửa. Bác sĩ Mạnh Cường khuyến cáo, trong giai đoạn hồi phục, cần hạn chế các thủ thuật như: Nhuộm tóc, uốn, sấy, hấp (nhiệt quá nóng).
Không buộc tóc quá chặt, búi. Đồng thời, nên giảm căng thẳng, lo âu không cần thiết. Bởi, giảm các hoormone gây stress là yếu tố quan trọng giúp giảm rụng và bạc tóc.
“Nếu rụng tóc kéo dài hơn 6 tháng hoặc có bất kỳ triệu chứng nào khác như rụng tóc từng mảng, ngứa hoặc kích ứng khác thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu”, bác sĩ Mạnh Cường khuyến cáo.