Rau ngải cứu tuy rất tốt nhưng nếu ăn quá nhiều có thể gây ngộ độc, co giật và tổn thương tế bào não.
Ở Việt Nam, có một loại rau được mệnh danh "bổ như thuốc" đó là rau ngải cứu. Ngải cứu có thể đem lại nhiều tác dụng cho sức khỏe, được Đông y sử dụng như một thảo dược chữa bệnh.
Cây ngải cứu có chiều cao từ 0.4 - 1m, trong lá có tinh dầu, cây phân bố chủ yếu ở Châu Âu, Châu Á, Bắc Phi, Alaska và Bắc Mỹ.Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng sử dụng cây ngải cứu, ở một số vùng cho rằng cây ngải cứu là cây cỏ xâm lấn, cần phải diệt trừ.
Ở Việt Nam, cây ngải cứu dại thường mọc nhiều ở tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang... đây chính là nguồn dược liệu được khai thác thường xuyên để sản xuất thuốc. Cây ngải cứu còn được trồng trong vườn của nhiều gia đình, thường được sử dụng tại chỗ trong nấu ăn hoặc điều trị một số bệnh lý đơn giản.
Tại Nhật Bản, rau ngải cứu cũng vô cùng được ưa chuộng. Vào đầu mùa xuân, người dân nước này có truyền thống dùng lá ngải cứu non luộc chín rồi giã chung với bột nếp để làm bánh Mochi. Đây là một trong những món ăn không thể thiếu trong gia đình người Nhật Bản.
Nhiều người nghĩ ngải cứu là loại rau mọc dại cộng thêm có vị hơi đắng nên thường không coi trọng. Tuy nhiên nếu tận dụng đúng cách thì ngải cứu bổ dưỡng không kém thuốc.
Rau ngải cứu có tác dụng gì?
Cây ngải cứu có hàm lượng tinh dầu từ 0,20 - 0,34% với thành phần chủ yếu là monoterpen, dehydromatricaria ester, tetradecatrilin, tricosanol, aracholalcol và sesquiterpene...
Cây ngải cứu có nhiều tác dụng như an thần, lợi mật, có thể kháng khuẩn, cầm máu... Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rau ngải cứu có tác dụng chống đầy hơi, đại tiểu tiện ra máu, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón...Đặc biệt, ngải cứu là loại rau rất tốt để thúc đẩy tuần hoàn máu, điều hoà kinh nguỵệt cho chị em phụ nữ.
Sử dụng rau ngải cứu ra sao cho đúng cách?
Mặc dù ăn rau ngải cứu có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể nhưng mọi người không nên lạm dụng nó, việc ăn rau ngải cứu quá nhiều hoặc quá thường xuyên có thể gây ra một số tác dụng phụ không tốt đối với cơ thể như:
- Ăn quá nhiều có thể gây ngộ độc dẫn đến tình trạng chân tay run hoặc co giật dẫn đến tổn thương tế bào não.
- Chỉ nên ăn từ 1-2 lần trong một tuần, nếu bị bệnh sử dụng ngải cứu khô để uống thì chỉ nên uống từ 3-5g khô và uống từng đợt, khi khỏi bệnh thì ngưng uống, không nên sử dụng lâu dài. Tránh sử dụng như một loại rau ăn thông thường.
- Khi dùng lá ngải cứu sắc uống thay trà thì chỉ nên sử dụng khoảng 3-5g khô (9-15g tươi) và dùng theo từng đợt.
- Phụ nữ nếu dùng các món có ngải cứu để tẩm bổ hoặc an thai thì chỉ nên dùng 3-5 ngọn nhỏ (9-15g tươi), tránh dùng quá liều.
- Đối tượng không nên ăn rau ngải cứu: Những bệnh nhân mắc viêm gan, bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ, người bị rối loạn đường ruột thì không nên sử dụng loại rau này.
Một số bài thuốc từ rau ngải cứu
Có rất nhiều bài thuốc khác nhau sử dụng ngải cứu để điều trị một số bệnh lý, sau đây là những bài thuốc điều trị những bệnh lý thường gặp trong cuộc sống:
- Trị mụn cóc, mụn cơm: Rau ngải cứu giã nhỏ ra rồi đắp lên mụn cóc hoặc mụn cơm hằng ngày, thực hiện liên tục từ 3-10 ngày sẽ có hiệu quả;
- Trị mụn trứng cá: Giã rau ngải cứu rồi đắp lên mặt tại vị trí bị mụn trứng cá, chờ 20 phút rồi rửa sạch với nước. Kiên trì thực hiện cho đến khi hết mụn;
- Trị mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sảy: Ngải cứu sau khi giã nát, vắt lấy nước rồi hòa chung với nước tắm hằng ngày. Sau khi thực hiện liên tục trong vài ngày sẽ thấy được hiệu quả;
- Trị bong gân: Lá ngải cứu tươi giã dập hoặc lá ngải cứu khô tẩm rượu sau đó bó vào vị trí bong gân, thực hiện một lần trong ngày, nếu chỗ bong gân có hiện tượng đau và sưng tấy thì có thể bó hai lần trong ngày. Có thể thay thế rượu bằng giấm, hiệu quả đạt được tương tự nhau;
- Dưỡng da: Ngải cứu rửa sạch và trần qua, sau đó thái nhỏ và đun sôi với 500ml nước trong khoảng 20 phút. Sau đó lọc bỏ bã, để nguội và sử dụng như nước hoa hồng;
- Trị cảm cúm: Sử dụng ngải cứu, lá khuynh diệp, vỏ bưởi đun với 2 lít nước sau đó dùng để xông trong vòng 15 phút. Làm liên tục từ 2-3 ngày bệnh sẽ thuyên giảm.