Hạn chế uống rượu; dùng thuốc đúng cách; ngăn ngừa nhiễm trùng, ăn uống lành mạnh; thường tập thể dục… giúp gan giải độc tốt hơn, tế bào gan có thể phục hồi.
Gan có nhiều chức năng như phân hủy thuốc, rượu và các chất độc hại khác để loại bỏ chúng khỏi máu, sản xuất mật giúp tiêu hóa chất béo, hấp thụ vitamin trong thực phẩm...
Một số chất hoặc tình trạng có thể làm hỏng gan. Khi mô sẹo tích tụ trong gan, nó có thể thay thế mô gan khỏe mạnh. Giai đoạn đầu khi gan bị tổn thương có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi các triệu chứng xuất hiện, chúng có thể bao gồm đau hoặc sưng ở phần trên bên phải của bụng, ăn mất ngon, giảm cân không giải thích, mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn mửa.
Gan có khả năng tự tái tạo và phục hồi sau khi bị tổn thương. Ở giai đoạn đầu tình trạng tổn thương gan có thể được đảo ngược. Nhận ra các dấu hiệu sớm của tổn thương gan giúp bạn có biện pháp cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa tổn thương thêm. Dưới đây là một số cách để hỗ trợ phục hồi tổn thương gan giai đoạn đầu theo tờ Healthline (Mỹ).
Hạn chế uống rượu bia
Uống rượu quá mức có thể làm tăng gánh nặng giải độc cho gan và dẫn đến tổn thương. Bạn có thể giúp gan nghỉ ngơi bằng cách không uống rượu hoặc uống với liều lượng vừa phải. Đàn ông không uống quá hai ly và phụ nữ là một ly mỗi ngày.
Người bị gan nhiễm mỡ do rượu có khả năng hồi phục bằng cách kiêng rượu 4-6 tuần. Tuy nhiên, đối với một số người, thời gian kiêng rượu có thể cần lâu hơn hoặc vĩnh viễn. Lạm dụng rượu kéo dài có thể gây tổn thương gan liên tục, cuối cùng dẫn đến xơ gan và không thể phục hồi.
Dùng thuốc, thực phẩm chức năng đúng cách
Thuốc và thực phẩm chức năng có thể gây thêm căng thẳng cho gan nếu không dùng đúng cách. Một số loại có thể kể đến như acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), statin - thuốc được sử dụng để điều trị cholesterol cao, phenytoin - một loại thuốc động kinh, thảo dược bổ sung như ma hoàng, kava...
Bạn có thể giúp gan giảm gánh nặng giải độc bằng cách chỉ dùng những loại thuốc hoặc chất bổ sung này khi cần thiết. Bạn nên tuân theo hướng dẫn về liều lượng của bác sĩ, dược sĩ; tránh uống rượu khi dùng thuốc.
Giữ cân nặng phù hợp
Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Bệnh có thể dẫn đến tổn thương và viêm gan, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của cơ quan này. Mọi người nên duy trì cân nặng hợp lý và giảm cân nếu đang thừa cân bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống cân bằng, khẩu phần ăn phù hợp.
Nếu bạn bị gan nhiễm mỡ không do rượu thì nên đến bác sĩ để có thể giảm bớt căng thẳng cho gan. Bác sĩ có thể lên kế hoạch giảm cân từ từ cùng với việc thay đổi chế độ ăn uống.
Ăn uống lành mạnh
Một cách khác giúp gan nghỉ ngơi là lựa chọn thực phẩm có lợi cho gan. Bạn lưu ý nhận đủ chất xơ từ các nguồn như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau quả, chọn protein từ thịt nạc thay vì thịt béo chẳng hạn thịt gia cầm bỏ da, các loại đậu, cá, hải sản, uống nhiều nước mỗi ngày. Bạn cũng nên giảm lượng thức ăn, đồ uống có nhiều đường, muối hoặc các chất béo không lành mạnh, thực phẩm chế biến sẵn, tránh động vật có vỏ sống hoặc nấu chưa chín.
Tùy từng tình trạng của gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan... mà người bệnh có thể được bác sĩ hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp.
Ngăn ngừa nhiễm trùng
Viêm gan siêu vi có thể gây viêm gan, do đó, có thể dẫn đến tổn thương gan. Một số ví dụ về các bệnh nhiễm trùng này như viêm gan A, B, C. Viêm gan A có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nhiễm trùng viêm gan B, C có thể trở thành mạn tính. Cách để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan do virus như chủng ngừa viêm gan A, B, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, đồ cắt móng tay, bàn chải đánh răng, tránh tái sử dụng kim tiêm...
Thăm khám sức khỏe định kỳ
Mọi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ vì bác sĩ có thể giúp xác định và điều trị sớm bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu sớm của tổn thương gan thì nên đến bệnh viện. Đánh giá tình trạng gan và có kế hoạch điều trị phù hợp sẽ giúp gan cải thiện hoặc phục hồi.