Uống nhiều nước rất tốt cho cơ thể. Thế nhưng trên thực tế, uống quá nhiều nước có thể gây hại cho cơ thể. Các bác sĩ cảnh báo, uống quá nhiều nước sẽ gây mất cân bằng điện giải, cực nguy hiểm.
Vài ngày trước, bác sĩ Liễu Bằng Trì, một bác sĩ gia đình người Trung Quốc, cho biết điều đáng lo ngại nhất khi uống quá nhiều nước là nồng độ natri trong chất điện giải có thể giảm xuống.
Thông thường, natri trong máu nằm trong khoảng chỉ số từ 135 đến 145, nếu thấp hơn 130 là bị hạ natri. Triệu chứng của hạ natri máu nhẹ là hơi mệt mỏi, chóng mặt. Hạ natri máu ở mức trung bình, con người có thể bị suy nhược, buồn nôn, nôn, nhức đầu, v.v. và thậm chí nặng là hôn mê, mất ý thức, tử vong.
Theo bác sĩ Liễu, cách đây không lâu, anh từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân, người này là nữ, làm giúp việc. Khi đến khám, nữ bệnh nhân cực mệt mỏi, thậm chí khó khăn khi đứng lên.
Hỏi thăm mới biết, nữ giúp việc này nghe nói uống nước rất tốt nên ngày nào cũng uống từ 4 - 5 lít nước, không ngừng nghỉ. Thế nhưng tốt đâu chưa thấy, người ngày càng khó chịu, buồn nôn liên tục.
Xét nghiệm máu cho thấy ion natri giảm xuống dưới 130, được khẩn cấp đưa đến phòng cấp cứu để điều trị truyền dịch. Theo bác sĩ Liễu, trường hợp này gọi là ngộ độc nước, rất trầm trọng.
Ngộ độc nước không độc nhưng vẫn gây ra một số vấn đề, phần lớn sẽ được đánh giá dựa trên cân nặng, lượng nước nên uống, môi trường tiềm ẩn và công việc tạo ra nhiều hay ít mồ hôi.
Bác sĩ phẫu thuật Giang Khôn Tuấn cho biết thêm, ion natri là thứ giữ nước, khi ion natri trong mạch máu không đủ, nước chỉ có thể dồn đến các tế bào, tác động lớn nhất đến não và có thể phát triển thành phù não. Do đó, khi ion natri quá thấp, hệ thần kinh trung ương sẽ bị tổn thương và ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức.
Vậy, nên uống bao nhiêu nước một ngày? Chuyên gia dinh dưỡng Trình Hàm Vũ đã từng liệt kê công thức tính lượng nước hàng ngày của mỗi người, cụ thể là "cân nặng (kg) x 30 ml", còn nếu đang trong thời kỳ giảm béo thì nên là "cân nặng (kg) x 40 ml".