Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, đồ ăn mặn, đồ ngọt, đồ ăn gây tăng cân có thể gây hại cho hệ tim mạch, tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan.
Chế độ ăn uống ngoài việc cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể để duy trì hoạt động còn có thể gây ra một số tác động đến sức khỏe. Một số loại thực phẩm có thể tác động tiêu cực đến hệ thống tim mạch và làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về huyết áp, mỡ máu... Dưới đây là 4 nhóm thực phẩm cần lưu ý.
Thức ăn mặn
Lượng natri (muối) trong cơ thể quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp của một người. Khi ăn những món mặn, cơ thể sẽ giữ nước để làm loãng hàm lượng natri trong máu, duy trì ở mức an toàn. Kết quả là lượng máu trong cơ thể nhiều hơn. Khi lượng máu tăng lên, tim phải làm việc nhiều hơn, thậm chí gia tăng áp lực nếu lượng muối dư thừa quá nhiều.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị cơ thể chỉ cần từ 180 đến 500 mg natri mỗi ngày. Các món ăn tiềm ẩn lượng muối cao cần lưu ý để kiểm soát lượng muối dung nạp vào cơ thể là thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn...
Thực phẩm chứa chất béo có hại
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sẽ làm tăng LDL-cholesterol còn gọi là cholesterol "xấu", yếu tố góp phần làm thay đổi hoạt động của tim. Nghiên cứu thực hiện bởi Trường Y khoa Mount Sinai, New York, Mỹ cho thấy LDL-cholesterol làm co mạch máu. Hoạt động của các mạch máu cũng ảnh hưởng đến nhịp tim.
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ phát triển chứng xơ vữa động mạch hoặc xơ cứng động mạch. Mảng bám từ đó sẽ hình thành trên lớp lót bên trong các mạch máu khiến mạch máu càng bị thắt chặt. Điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn để duy trì lưu lượng máu tới các bộ phận khác của cơ thể.
Đồ ăn ngọt
Ăn quá nhiều đường, gồm cả đường đã qua chế biến, có thể tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ, gây viêm nhiễm... Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế BMC Medicine cung cấp thêm bằng chứng về thói quen ăn quá nhiều đường có thể gây hại cho trái tim. Theo đó, chế độ ăn nhiều đường, đặc biệt là đường trong chế tạo thực phẩm hoặc đường tự nhiên có trong nước ép trái cây, mật ong và xi-rô có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Một nghiên cứu khác theo dõi thói quen ăn uống ở 110.000 người Anh trong hơn 9 năm, các nhà khoa học phát hiện ra, cứ tăng 5% lượng đường tiêu thụ ở một người thì nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 6% và tăng 10% nguy cơ bị đột quỵ.
Thức ăn gây tăng cân
Bên cạnh việc chú ý những món ăn lành mạnh, lượng thức ăn dung nạp vào cơ thể cũng quan trọng không kém với sức khỏe tim mạch. Thói quen ăn uống không lành mạnh có thể góp phần gây béo phì. Thừa cân làm tăng áp lực cho tim, khiến tim phải làm việc nhiều hơn còn béo phì làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu. Cả hai tình trạng này đều làm tăng nguy cơ bệnh tim.
Bên cạnh những thức ăn có hại, một số có thể giúp cải thiện chức năng tim. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị, các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như dầu ô liu, các chất béo không bão hòa đa và đơn khác có thể làm giảm cholesterol, ngăn ngừa hình thành mảng bám trong động mạch. Điều này giúp cải thiện lưu lượng máu, giảm giảm tải cho trái tim và cải thiện nhịp tim.
Các loại thực phẩm khác có thể cải thiện lượng cholesterol máu bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm chứa nhiều chất xơ hòa tan như yến mạch và lúa mạch.
|