Rau bina, cà chua, bắp cải, măng tây chứa ít carbhydrate có lợi cho người bệnh tiểu đường, phòng tránh tăng đường huyết.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, ăn nhiều rau là cách để kiểm soát lượng đường trong máu, nhất là những loại rau ít carbohydrate (carb). Vì rau nhiều carb giàu tinh bột như ngô, khoai tây, khoai mỡ ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết.
Hơn nữa, chế độ ăn nhiều rau cũng giúp giảm cân nặng thừa - yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Dưới đây là 7 loại rau ít carb có lợi cho sức khỏe.
Rau bina
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một cốc rau bina sống (125 g) chỉ có 1 g carb, không làm tăng đường huyết. Rau này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin A tốt cho tim và mắt. Bạn có thể dùng rau bina chế biến món salad, chiên cùng trứng (bổ sung vitamin B và protein) cho bữa sáng ngon miệng.
Bông cải xanh
Mỗi cốc bông cải xanh (125 g) chứa dưới 5 g carb, khoảng 69 mg vitamin C, gần 2 g chất xơ và 0,5 mg sắt. Ăn bông cải xanh vừa không tác động đến đường huyết vừa cung cấp chất chống oxy hóa chống viêm, khoáng chất sắt cần thiết cho cơ thể.
Người bệnh nên xào bông cải xanh với dầu ô liu, dầu hạt cải hoặc dầu bơ để cung cấp chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có lợi cho tim.
Súp lơ
Loại rau này có hàm lượng carbohydrate thấp, giúp ổn định lượng đường trong máu. Một cốc súp lơ cắt nhỏ (125 g) có 5 g carb, cung cấp 51 mg vitamin C và 61 mg folate (vitamin B9).
Cà chua giàu chống oxy hóa vitamin C và lycopene phòng ngừa bệnh mạn tính. Ảnh: Freepik
Cà chua
Một quả cà chua cỡ vừa chứa 5 g carb, là thực phẩm thân thiện với bệnh tiểu đường. Trái cây này cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C và lycopene (tạo nên màu đỏ cho cà chua) có tác dụng ngăn ngừa bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư. Ăn cà chua sống, làm salad hoặc nướng để tận dụng tối đa lợi ích sức khỏe của chúng.
Bắp cải
Một cốc bắp cải sống cắt nhỏ (125 g) chỉ có 5 g carb. Tiêu thụ loại rau phổ biến này còn bổ sung vitamin C và K vào chế độ ăn lành mạnh. Người bệnh tiểu đường có thể trộn salad, xào hoặc luộc bắp cải cho các bữa ăn.
Cải Brussels
Theo USDA, một cốc cải brussels nấu chín (125 g) có 11 g carb, gần 97 mg vitamin C, 488 mg kali và 4 g chất xơ. Chất xơ tiêu hóa chậm làm chậm quá trình hấp thụ glucose (đường) vào máu. Vitamin C có tác dụng chống viêm - yếu tố góp phần gây ra bệnh tiểu đường. Kali đóng vai trò là chất điện giải giúp giữ nước.
Măng tây
Mỗi cốc (125 g) măng tây tươi cắt khúc nấu chín chỉ chứa 7 g carb, nhưng có tới 90 mcg vitamin A và 91 mcg vitamin K. Hai khoáng chất cần thiết cho sức khỏe. Người bệnh tiểu đường nên chọn ăn măng tây để kiểm soát đường huyết vì nhiều chất xơ. Chế biến xào, nướng hoặc trộn salad măng tây với dầu giấm đều ngon miệng.
VietBF©sưu tập