Bộ trưởng Israel kêu gọi dân Palestine bỏ Gaza để giúp "sa mạc nở hoa". Một quan chức cánh hữu trong chính phủ Israel nhắc lại lời kêu gọi cư dân Palestine ở Gaza rời khỏi nơi này để nhường chỗ cho những người Israel có thể "làm cho sa mạc nở hoa".
"Những gì cần phải làm ở Dải Gaza là khuyến khích di cư", Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich nói với Army Radio vào ngày cuối năm 2023. "Nếu chỉ có 100.000 hoặc 200.000 người Ả-rập ở Gaza thay vì 2 triệu người, toàn bộ cuộc thảo luận về tương lai (của Gaza) sẽ hoàn toàn khác".
Quan chức này nói rằng nếu 2,3 triệu dân Palestine không còn ở đó và "lớn lên với khát vọng tiêu diệt nhà nước Israel", người dân Israel sẽ có cái nhìn khác về Gaza.
"Hầu hết xã hội Israel sẽ nói "tại sao không nhỉ, đó là một nơi thật đẹp và hãy làm cho sa mạc nở hoa", ông Smotrich nói.
Ông Smotrich, người thuộc đảng Phục quốc Do Thái Sùng đạo có khuynh hướng cực hữu, từng đưa ra nhận xét tương tự trong quá khứ, khiến ông đi ngược lại lập trường của đồng minh quan trọng nhất của Israel là Mỹ.
Dù vậy, quan điểm của ông Smotrich không phải lập trường chính thức của chính phủ Israel rằng người Gaza có thể trở về nhà sau khi cuộc chiến với Hamas kết thúc.
"Trái ngược với những cáo buộc sai sự thật, Israel không tìm cách di dời người dân ở Gaza", một quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng Israel trả lời AP sau tuyên bố của ông Smotrich.
Tỷ lệ ủng hộ đối với đảng của ông Smotrich, chính đảng từng giúp ông Benjamin Netanyahu giành được đa số phiếu cần thiết để trở thành Thủ tướng Israel nhiệm kỳ thứ sáu trong cuộc bầu cử cách đây gần một năm, đã sụt giảm kể từ khi bắt đầu xung đột ở Gaza.
Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich (Ảnh: Reuters).
Israel từng lập các khu định cư bên trong Gaza nhưng sau đó đã giải tán chúng vào năm 2005, thời điểm quân đội Israel chấm dứt 38 năm chiếm đóng dải đất này. Hầu hết người Israel không tán thành việc lập lại khu định cư tại Gaza, theo các cuộc thăm dò ý kiến gần đây.
Liên Hợp Quốc vẫn coi Dải Gaza là lãnh thổ của người Palestine bị Israel chiếm đóng vì nước này kiểm soát tất cả cửa khẩu ra vào nơi đây, trừ một cửa khẩu giữa Gaza với Ai Cập.
Bình luận của ông Smotrich, người đã bị gạt sang một bên trong các cuộc thảo luận về vấn đề tương lai hậu chiến của Gaza, khiến phần lớn các nước Ả-rập lo ngại rằng Israel muốn đuổi người Palestine ra khỏi quê hương, lặp lại khủng hoảng năm 1948.
Cuộc khủng hoảng 1948 xảy ra sau khi Israel tuyên bố thành lập nhà nước, dẫn đến việc hàng trăm nghìn người Palestine phải bỏ trốn hoặc bị đuổi khỏi quê hương.
Cùng ngày 31/12/2023, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bác bỏ mọi hành động trục xuất người Palestine. "Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc người dân bị buộc phải rời đi, dù là từ Dải Gaza hay Bờ Tây", ông nói.
Hamas cũng khẳng định người dân Gaza "sẽ đứng vững và kiên định trước mọi động thái nhằm di dời họ khỏi đất đai và nhà cửa của mình".
Các nhà lãnh đạo Ả-rập cho rằng bất kỳ động thái nào hiện nay nhằm trục xuất người Palestine là không thể chấp nhận được.
Mỹ phản đối việc Israel tái chiếm đóng Dải Gaza và cũng phản đối việc buộc trục xuất người Palestine sống ở đó.
Mỹ đang kêu gọi cải tổ Chính quyền nhà nước Palestine (PA) - vốn được quốc tế công nhận là đại diện hợp pháp duy nhất của người Palestine - để quản lý Dải Gaza sau chiến tranh, bất chấp sự phản đối của Thủ tướng Netanyahu.
VietBF@ sưu tập