Nỗi lo đối đầu Hezbollah ám ảnh người Israel. Suốt nhiều năm, David Shtift cố gắng thuyết phục quân đội Israel rằng các tay súng Hezbollah ở cách biên giới vài km sẽ hiện thực hóa lời đe dọa tấn công nước này.
Shtift và những người hàng xóm của ông cho biết họ đã nhìn thấy các tay súng Hezbollah tập trung dọc biên giới và thiết lập chốt canh gác trong những công trình được giải thích là xây lên để bảo vệ môi trường. Đôi khi, họ nghe thấy âm thanh giống như tiếng đào đường hầm dưới lòng đất.
Trước đây, khi lắng nghe lo ngại của những người như Shtift, quân đội Israel tuyên bố đối thủ đã bị răn đe, hàng rào bảo vệ biên giới không thể bị xuyên thủng.
Nhưng thị trấn của Shtift chưa bao giờ cảm thấy yên tâm. Họ đã gây quỹ ứng phó và soạn thảo kế hoạch dự phòng, mua súng trường cho các đơn vị phòng vệ địa phương, đảm bảo nguồn điện nước khẩn cấp, đồng thời xây dựng một bệnh xá quân sự.
Hôm 7/10, khi hàng nghìn tay súng Hamas, nhóm chiến binh tại Gaza có mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Hezbollah, mở chiến dịch đột kích lãnh thổ Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt 240 con tin, Shtift cay đắng nhận ra rằng mối lo lắng của họ là đúng.
"Những gì xảy ra ở miền nam chính xác là điều chúng tôi lo sợ có thể diễn ra ở đây", ông nói. "Đó là sự thật".
Các tay súng Hezbollah khiêng quan tài của một thành viên lực lượng thiệt mạng ở miền nam Lebanon hồi tháng 10/2023. Ảnh: Reuters
Ít nhất 70.000 người Israel sống ở khu vực biên giới phía bắc, giáp Lebanon, đã được lệnh sơ tán sau vụ tấn công. Hàng nghìn binh sĩ Israel chuyển đến thế chỗ, biến cả vùng thành một khu quân sự khép kín. Bên kia biên giới, các tay súng Hezbollah gần như mỗi ngày đều phóng rocket qua biên giới.
Đây chưa hẳn là một vùng chiến sự. Tuy nhiên, các vụ nổ liên tục từ pháo binh của Israel và tên lửa Hezbollah không khỏi khiến những người dân còn bám trụ lại khu vực cảm thấy bất an.
Quân đội Israel cho biết Hezbollah đã sử dụng súng cối tầm ngắn, tên lửa chống tăng "Kornet" của Nga và bom nhiệt áp để phá hủy làng mạc gần biên giới của Israel.
Israel cho biết 12 binh sĩ và 5 thường dân đã thiệt mạng vì giao tranh. Tại Lebanon, hơn 120 tay súng Hezbollah và ít nhất 20 thường dân, trong đó có 3 nhà báo, đã thiệt mạng vì đòn trả đũa của Israel.
Hồi đầu tuần, một cuộc không kích ở thủ đô Beirut, Lebanon, đã giết phó thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri, người giúp nhóm này nuôi dưỡng mối quan hệ với Hezbollah và bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố toàn cầu. Hamas và Hezbollah cáo buộc Israel thực hiện vụ hạ sát, trong khi Tel Aviv không nhận trách nhiệm.
Cuộc tấn công làm dấy lên lo ngại các cuộc giao tranh đang diễn ra dọc vùng biên giới đầy biến động giữa Israel và Lebanon có thể bùng nổ thành một cuộc xung đột toàn diện.
Không giống như Hamas, Israel coi Hezbollah là một đội quân đúng nghĩa được huấn luyện bài bản và sở hữu kho vũ khí đáng gờm với khoảng 150.000 tên lửa. Nhiều người Israel lo ngại chính phủ của họ một lần nữa đánh giá thấp mối đe dọa từ vùng biên giới phía bắc đất nước.
Thủ lĩnh Hezbollah Hasan Nasrallah hôm 3/1 cảnh báo sẽ đáp trả cuộc tấn công khiến al-Arouri thiệt mạng. Nếu Israel đối đầu trực diện với Lebanon, "cái giá phải trả sẽ rất đắt", ông nhấn mạnh.
Moshe Davidovich, lãnh đạo hội đồng thị trấn Eilon gần biên giới Lebanon, cho biết nhiều người dân địa phương đang phải vật lộn với câu hỏi sẽ sống ở đâu và làm cách nào để đưa con đến trường sau khi căng thẳng bùng phát. Họ không tin tưởng vào chính phủ vì cho rằng các lãnh đạo "mải mê với trò chơi chính trị mà không có bất kỳ chiến lược cụ thể nào".
Đối với những người Israel phải sơ tán, từ cả miền bắc lẫn miền nam, chính phủ chưa thực sự nỗ lực giúp đỡ họ. Phải mất nhiều tuần giới chức mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trú tại khách sạn và đơn giản hóa thủ tục cho thuê nhà. Người dân ở miền bắc hiện rất mông lung về tình trạng nhà của họ hay bao giờ họ có thể quay trở về.
Davidovich nói rằng chính phủ Israel một lần nữa bị "ảo tưởng rằng có thể thỏa thuận với kẻ thù của chúng ta".
"Cho đến ngày 6/10, chúng tôi được coi là nhà giám sát an ninh chính của Trung Đông. Sau ngày 7/10, chúng tôi đã bị coi là mất khả năng răn đe", ông nói. "Chúng ta buộc phải giành lại điều đó".
Israel đang đàm phán với chính phủ Lebanon và đại diện của Hezbollah để giảm leo thang căng thẳng. Nhưng hôm 4/1, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã nói với Amos Hochstein, đặc phái viên cấp cao của Nhà Trắng, rằng họ "không còn nhiều thời gian" cho một giải pháp ngoại giao.
"Chúng tôi sẽ đưa công dân trở lại miền bắc và miền nam", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày cho hay. "Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ sử dụng sức mạnh tối đa với độ chính xác tối đa ở mọi nơi cần thiết".
Nhưng nhiều người sống dọc biên giới phía bắc không đặt niềm tin vào Thủ tướng Netanyahu, người đảm bảo với họ suốt nhiều năm qua rằng Hamas đã bị kiềm chế ở Gaza. Với những gì đã diễn ra, họ khó có thể chấp nhận lời trấn an tương tự về Hezbollah.
"Những gì chúng tôi có trước ngày 7/10 không còn hữu dụng nữa", Dotan Razili, thành viên nhóm tự vệ ở Eilon, nói, tay chỉ vào bức tường biên giới ngoằn ngoèo với một phần bêtông, một phần dây thép gai, được gia cố bằng cảm biến công nghệ cao và camera giám sát.
Sau khi Hamas sử dụng máy bay không người lái (UAV) mang theo lựu đạn và lính bắn tỉa để phá hủy các camera dọc biên giới Gaza, Razili cho biết ông cảm thấy "bức tường thông minh" không còn đủ sức bảo vệ họ nữa.
"Chúng ta quá yêu thích công nghệ và quên mất một số điều rất quan trọng và cơ bản", ông nói.
Razili cho hay các đơn vị của ông đã áp dụng những giải pháp công nghệ thấp, dựa vào sổ tay chiến lược của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) từ những năm 1950 và bộ đàm kiểu cũ.
Noam Erlich điều hành một công ty bia thủ công ở thị trấn Manara, cộng đồng ở miền bắc Israel đã phải sơ tán lần đầu tiên trong lịch sử hôm 8/10. 86 trong 155 ngôi nhà tại Manara đã bị phá hủy. Ông coi sức mạnh của những thị trấn biên giới như Manara là vấn đề an ninh quốc gia.
"Nếu Manara bị hạ thì trạm biên giới tiếp theo sẽ là Shmona", Erlich nói, đề cập đến thành phố khác của Israel ở xa biên giới hơn. "Dần dần, từ biên giới phía bắc, kẻ thù sẽ đến Tel Aviv".
"Các cộng đồng như vậy sẽ không thể tồn tại nếu không có sự hợp tác của chính phủ, nhưng chính phủ và cơ sở hạ tầng đang sụp đổ", Tirtsa Valentine cho hay. Mẹ của cô, Rachel Rabin, là người sáng lập thị trấn Manara, em gái của thủ tướng Israel bị sát hại Yitzhak Rabin. Ông là lãnh đạo Israel cuối cùng từng tiến gần đến một thỏa thuận hòa bình với người Palestine.
"Nếu giải pháp duy nhất đang được thảo luận là những giải pháp đi từ cuộc chiến này sang cuộc chiến khác thì rõ ràng là chúng tôi đang gặp rắc rối", Rachel nói.
VietBF@ sưu tập