Theo như 23 năm sau câu nói Trung Quốc không thể xây đường sắt đến Tây Tạng của Paul Edward Theroux, thì Trung Quốc đã làm được điều ngược lại. Quốc gia này đã làm nên kỳ tích khiến cả thế giới kinh ngạc với tuyến đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng (thường gọi tắt là đường sắt Thanh-Tạng). Tuyến đường sắt của Trung Quốc xác lập 9 kỷ lục thế giới.
Trong cuốn sách"Sailing Through China" (1983) (tạm dịch: Chèo thuyền xuyên Trung Hoa"), nhà văn và tiểu thuyết gia du lịch người Mỹ Paul Edward Theroux (sinh năm 1941) từng viết: Chừng nào còn có dãy núi Côn Lôn thì tàu hỏa không bao giờ có thể đến được Lhasa.
23 năm sau câu nói của Paul Edward Theroux, Trung Quốc đã làm được điều ngược lại. Quốc gia này đã làm nên kỳ tích khiến cả thế giới kinh ngạc với tuyến đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng (thường gọi tắt là đường sắt Thanh-Tạng).
Chính thức thông xe vào ngày 1/7/2006, đường sắt Thanh-Tạng là kết quả từ chi phí khổng lồ hơn 30 tỷ Nhân dân tệ cùng sự lao động cần mẫn của khoảng 100.000 kỹ sư và công nhân xây dựng trong 20 năm (1986-2006) để tạo ra kỳ quan kỹ thuật này, Tibetdiscovery thông tin.
Đường sắt Thanh-Tạng - mệnh danh Heaven Road (tạm dịch: Đường đến thiên đường) - bắt đầu từ Tây Ninh (thủ phủ của tỉnh Thanh Hải) và kết thúc tại Lhasa (thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng), tổng chiều dài 1.956 km, đi qua tổng cộng 85 ga.
Đường sắt Thanh-Tạng sở hữu 9 kỷ lục thế giới
Tibetdiscovery bình luận, sở hữu khung cảnh đẹp như tranh vẽ dọc theo tuyến đường, đường sắt Thanh-Tạng gây ấn tượng nhất nhờ danh tiếng kỹ thuật đáng kinh ngạc, cụ thể là 9 kỷ lục thế giới nổi tiếng sau đây:
1. Đường sắt Thanh-Tạng là tuyến đường sắt cao nhất thế giới. Khoảng 960 km đường ray của nó nằm ở độ cao 4.000 mét so với mực nước biển. Đường ray ở độ cao nhất là ở khu vực Đèo núi Tanggula, ở độ cao 5.072 mét - cao hơn ít nhất 200 mét so với tuyến đường sắt Peru trên dãy Andes, nơi trước đây là tuyến đường sắt cao nhất thế giới.
2. Đường sắt Thanh-Tạng là tuyến đường sắt cao nguyên dài nhất thế giới, kéo dài 1.956 km từ Tây Ninh đến Lhasa. Đoạn Tây Ninh-Cách Nhĩ Mộc dài 814 km và đoạn Cách Nhĩ Mộc-Lhasa dài 1.142 km chạy qua dãy núi Kunlun và Tanggula.
3. Đường sắt Thanh-Tạng xuyên qua đất đóng băng dài nhất thế giới. Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng có diện tích băng vĩnh cửu ước tính lớn nhất là 1.300 kilômét vuông. Khoảng 550 km đường ray đường sắt Thanh-Tạng chạy trên đất đóng băng - dài nhất trong số các tuyến đường sắt cao nguyên trên thế giới.
4. Nhà ga Tanggula (thuộc đường sắt Thanh-Tạng) là ga đường sắt cao nhất thế giới, ở độ cao 5.068 mét. Đây là một nhà ga không có nhân viên phục vụ cho cả hành khách và hàng hóa.
5. Đường hầm Fenghuoshan, ở độ cao 4.905 mét so với mực nước biển, là đường hầm đất đóng băng cao nhất thế giới. Nằm trên núi Fenghuo, ngọn núi có độ cao 5.010 mét so với mực nước biển, đường hầm này được xây dựng hoàn toàn trên khu vực cao nguyên đóng băng vĩnh cửu với tổng chiều dài 1.338 mét.
6. Đường hầm núi Côn Lôn ở tỉnh Thanh Hải nằm ở độ cao khoảng 4.648 mét so với mực nước biển, dài 1.686 mét, là đường hầm cao nguyên dài nhất thế giới được xây dựng trên đất đóng băng.
7. Bệ đặt và lắp dựng đường ray Amdo, ở độ cao 4.704 mét, là nền móng đặt đường ray cao nhất trên thế giới.
8. Cầu sông Thanh Thủy, dài 11,7 km, là cầu đường sắt cao nguyên dài nhất thế giới. Cây cầu này bắc qua Khu bảo tồn thiên nhiên Hy Nhĩ ở độ cao trung bình 4.600 mét.
9. Đoàn tàu Thanh-Tạng có thể chạy với tốc độ nhanh nhất so với bất kỳ chuyến tàu nào trên tuyến đường sắt đất đóng băng ở bất kỳ đâu trên thế giới. Sau khi hoàn thành, tốc độ tối đa của các chuyến tàu đến Tây Tạng được thiết kế để đạt 100 km/giờ ở vùng đất đóng băng và 120 km/giờ trên vùng đất không đóng băng.
Tuyến đường sắt đặc biệt
Một điểm đặc biệt khác của tuyến đường sắt Thanh-Tạng là nó chỉ có một đoạn đường sắt dài dài 1.142 km là đường sắt đường đơn. Điều này đặt ra câu hỏi là, liệu các chuyến tàu đến và đi có va chạm nhau không?
Tuyến đường sắt Thanh-Tạng phục vụ một mục đích rất thiết thực: Nó kết nối khu vực bị cô lập của Tây Tạng, nơi có một số điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất trên Trái đất, với khu đô thị sầm uất của Trung Quốc. Tổng thời gian cho chuyến đi từ Thượng Hải đến Lhasa sẽ kéo dài 46 giờ 44 phút.
Tất cả chúng ta đều biết rằng môi trường ở Tây Tạng rất khắc nghiệt và địa hình rất phức tạp nên việc xây dựng một tuyến đường sắt ở đó không hề dễ dàng. Cả vốn và công nghệ sẽ tốn kém hơn. Vì vậy, việc xây dựng 2 đường ray sẽ tốn rất nhiều công sức và tiền bạc hơn.
Do đó, Trung Quốc đã tính toán để tối ưu hóa chi phí và công sức. Đoạn đường sắt giữa Thanh Hải-Cách Nhĩ Mộc dài 814 km là đường sắt đường đôi, đoạn còn lại - Cách Nhĩ Mộc-Lhasa dài 1.142 km - là đường sắt đường đơn.
Lượng người đi từ Lhasa, Tây Tạng đến Trung Quốc đại lục không nhiều nên tuyến đường đn này hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu. Khi Tây Tạng tiếp tục phát triển, nếu lượng khách du lịch tăng lên trong tương lai thì sẽ có nhiều tuyến đường sắt được xây dựng hơn.
Ngoài ra, cũng không cần lo lắng về việc tàu đến và đi va chạm, vì sự quản lý của sở đường sắt rất hoàn hảo. Các bộ phận liên quan cũng sẽ điều phối thời gian xuất phát nên về cơ bản không có hai đoàn tàu xuất hiện trên đường cùng lúc, đương nhiên không có khả năng xảy ra va chạm. Hơn nữa, các đoàn tàu có thể vượt nhau tại ga hai đường hoặc các điểm khác trên tuyến.