Tổ chức Oxfam International cho biết. Tổng tài sản của 5 người giàu nhất thế giới đã tăng hơn gấp đôi lên 869 tỉ USD kể từ năm 2020. Trong khi 5 tỉ người trở nên nghèo hơn.
Theo báo cáo được Oxfam công bố trong lúc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos - Thụy Sĩ, một tỉ phú hiện nay thường điều hành hoặc là cổ đông chính của 7/10 công ty lớn nhất thế giới.
Vào ngày 15-1, Oxfam kêu gọi các chính phủ hạn chế quyền lực doanh nghiệp bằng cách phá bỏ độc quyền, áp thuế đối với mức lợi nhuận và tài sản vượt mức, cũng như thúc đẩy giải pháp thay thế quyền kiểm soát của cổ đông.
148 tập đoàn hàng đầu ước tính thu về 1.800 tỉ USD lợi nhuận trong 3 năm qua, tăng 52% so với mức trung bình của 3 năm trước đó, cho phép họ chi trả những khoản tiền khổng lồ cho cổ đông ngay cả khi hàng triệu công nhân phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát dẫn đến cắt giảm lương.
"Sự bất bình đẳng này không phải ngẫu nhiên. Tầng lớp tỉ phú đang đảm bảo các tập đoàn mang lại nhiều tài sản hơn cho họ kể cả khi điều này khiến người khác chịu thiệt".
Các sự kiện ở Davos được WEF tổ chức theo tiêu chí doanh nghiệp không chỉ nhằm tối đa hóa lợi nhuận mà còn đáp ứng "khát vọng của con người và xã hội như một phần của hệ thống xã hội rộng lớn hơn".
Oxfam cho biết báo cáo của họ, được hoàn thiện dựa trên nhiều nguồn dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đến danh sách người giàu hàng năm của Forbes, cho thấy những nguyện vọng như vậy còn lâu mới được thực hiện.
Theo phân tích của Oxfam, tiền lương của gần 800 triệu công nhân không theo kịp lạm phát trong 2 năm qua, dẫn đến mỗi công nhân mất trung bình 25 ngày thu nhập hàng năm.
Nghiên cứu còn cho thấy trong số 1.600 tập đoàn hàng đầu thế giới, chỉ 0,4% công khai cam kết trả lương đủ sống cho người lao động và hỗ trợ mức lương đủ sống trong các chuỗi giá trị của họ.
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk hiện là người giàu nhất thế giới, với khối tài sản ước tính 230 tỉ USD.