Giám đốc tình báo Australia cho hay một cựu chính trị gia đã bị nước ngoài tuyển mộ và "phản bội đất nước", làm dấy lên đồn đoán về danh tính người này.
"Người đó đã bán đứng đất nước, chính đảng và đồng nghiệp để mang lại lợi ích cho một quốc gia khác", giám đốc Tổ chức An ninh Tình báo Australia (AISO) Mike Burgess phát biểu tại Canberra ngày 28/2.
Burgess cho hay người này được "nhóm gián điệp A" tuyển mộ từ vài năm trước. "Người đó có thời điểm còn đề xuất đưa người thân của một thủ tướng tham gia ổ gián điệp nhưng bất thành. Tuy nhiên, các kế hoạch khác vẫn được thực hiện", ông cho hay.
Một trong những âm mưu của nhóm là "mời các học giả, chính trị gia hàng đầu Australia dự hội nghị tại nước ngoài, chi phí do ban tổ chức trang trải". Nhóm A lợi dụng sự kiện để thiết lập quan hệ, xác định ai có quyền truy cập tài liệu chính phủ và đã thu thập được thông tin an ninh, quốc phòng từ một học giả.
Giám đốc AISO không nêu cụ thể danh tính cựu chính trị gia hay quốc gia liên quan. Ông thêm rằng người này không còn là mối đe dọa và "đã bị vô hiệu hóa".
Giám đốc Tổ chức An ninh Tình báo Australia (AISO) Mike Burgess phát biểu tại Canberra ngày 28/2. Ảnh: Reuters
Thông tin từ giám đốc AISO làm dấy lên đồn đoán trên truyền thông và dư luận Australia, nhiều người kêu gọi giới chức công khai danh tính cựu chính trị gia.
"Vấn đề ở đây là nếu ông ấy không nêu danh tính cụ thể, ai cũng sẽ bị nghi ngờ", lãnh đạo bảo thủ đối lập Peter Dutton nói với đài 2GB của Sydney. "Tôi nghĩ ông ấy nên đưa thêm gợi ý xem người đó có thể là ai, nếu không sẽ bất công với rất nhiều cựu nghị sĩ yêu nước".
Cựu bộ trưởng tài chính Australia Joe Hockey mô tả cựu chính trị gia là "kẻ phản bội" và "thông tin từ giám đốc tình báo Australia không phải cáo buộc, mà là sự thật". Hockey kêu gọi Burgess công bố danh tính người này, bởi ông cảm thấy bị bôi nhọ vì bản thân cũng là cựu chính trị gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles "tôn trọng những gì AISO đã làm khi công bố thông tin và tin họ có lý do khi chưa tiết lộ danh tính".
Australia là thành viên nhóm Ngũ Nhãn, mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo gồm 5 quốc gia Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand. Điều này phần nào khiến Canberra trở thành mục tiêu nhắm đến của các cơ quan tình báo nước ngoài.