Hình ảnh tàu sân bay Liêu Ninh rời cảng cho thấy mô hình tiêm kích hạm tàng hình J-35 và J-15 biến thể mới trên boong, dường như là thử nghiệm trước khi biên chế.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ngày 29/2 rời nhà máy đóng tàu Đại Liên, di chuyển ra biển để thử nghiệm sau khoảng một năm đại tu, bảo dưỡng. Trên boong tàu đặt mô hình kích thước giống thật của tiêm kích hạm tàng hình J-35 và chiến đấu cơ J-15.
Mô hình chiếc J-35 được sơn nâu nhạt, cho thấy dòng tiêm kích này sẽ có màu tương tự phiên bản J-15. Hình ảnh này cho thấy hải quân Trung Quốc có ý định triển khai tiêm kích hạm kiểu mới J-35 trên tàu sân bay Liêu Ninh và có thể là cả tàu Sơn Đông.
Giới chuyên gia trước đó nhận định Bắc Kinh sẽ chỉ biên chế mẫu tiêm kích hạm J-35 hiện đại cho tàu sân bay thế hệ mới Phúc Kiến, do chiến hạm này được trang bị công nghệ máy phóng điện từ (EMALS) thay vì có thiết kế cầu nhảy kiểu cũ như Sơn Đông và Liêu Ninh.
Mô hình tiêm kích hạm J-35 (bên phải) và J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh trong bức ảnh đăng ngày 29/2. Ảnh: X/RupprechtDeino
Một số nhà phân tích cũng cho rằng mô hình J-15 xuất hiện trong bức ảnh dường như là phiên bản mới của dòng tiêm kích hạm này. Hình dạng buồng lái của mô hình cho thấy đây là dòng J-15 có hai chỗ ngồi, có thể là biến thể tác chiến điện tử J-15D.
Được coi là mẫu tiêm kích đối trọng với dòng EA-18G Growler của hải quân Mỹ, J-15D là yếu tố chủ chốt trong chương trình hiện đại hóa lực lượng tiêm kích hạm đang diễn ra của Trung Quốc. Tuy nhiên, biến thể này vẫn còn khá bí ẩn và chưa xuất hiện nhiều trước công chúng.
Theo chuyên gia quân sự Thomas Newdick, sự xuất hiện của hai mô hình J-35 và J-15D trên chiến hạm Liêu Ninh cho thấy Trung Quốc muốn nâng cấp mạnh năng lực không chiến của hai tàu sân bay đời cũ, thay vì chỉ tập trung đầu tư cho tàu Phúc Kiến hiện đại hơn.
Hiện tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông được biên chế lực lượng tối đa 24 chiếc J-15 và một số trực thăng hỗ trợ. Tuy được cho là phiên bản "sao chép" từ tiêm kích hạm Su-33 của Nga, dòng J-15 sở hữu năng lực tấn công chính xác mạnh mẽ hơn nhờ được trang bị tên lửa chống hạm YJ-83K, tên lửa diệt radar YJ-91 và nhiều loại vũ khí không đối không nội địa.
J-15 cũng được đánh giá cao hơn Su-33 ở hệ thống điện tử hàng không và động cơ, đều do Trung Quốc tự sản xuất.
Tàu sân bay Liêu Ninh trong bức ảnh đăng ngày 29/2. Ảnh: X/RupprechtDeino
Việc được bổ sung tiêm kích hạm tàng hình J-35 sẽ là nâng cấp đáng kể đối với tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông. Bên cạnh năng lực tàng hình, mẫu tiêm kích thế hệ thứ 5 này nhiều khả năng sẽ được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại và cảm biến tiên tiến, cũng như radar mảng pha điện tử chủ động (AESA).
Do chiến hạm Liêu Ninh và Sơn Đông có thiết kế cầu nhảy kiểu cũ, tiêm kích J-15 sẽ phải giảm bớt tải trọng khi hoạt động, gây ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của chúng.
Trong khi đó, dòng J-35 có thể ít bị ảnh hưởng hơn do được thiết kế để chứa khí tài ở bên trong thân, nên có tải trọng vũ khí lớn hơn so với dòng J-15 phải mang theo giá treo bên ngoài.
Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được nước này hoán cải từ tuần dương hạm hạng nặng mua từ Ukraine. Sau khi biên chế tàu Liêu Ninh tháng 9/2012, Bắc Kinh dùng kiến thức, kinh nghiệm thu được từ chiến hạm này để đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên là Sơn Đông và biên chế vào tháng 12/2019.
Phúc Kiến là tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự chế tạo, được đánh giá là trọng tâm chính trong nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân "biển xanh" có thể tác chiến xa bờ dài ngày của Bắc Kinh. Con tàu hạ thủy vào tháng 6/2022, dự kiến thực hiện nhiều thử nghiệm trên biển trong năm nay.
VietBF@sưu tập