Chính phủ Ấn Độ bắt đầu thi hành luật cấp quốc tịch vốn bị chỉ trích là phân biệt đối xử với người Hồi giáo, sau khi trì hoãn hơn 4 năm.
"Chính quyền Modi tuyên bố thực hiện Đạo luật Quốc tịch Sửa đổi (CAA). Đây là phần không thể thiếu trong tuyên ngôn năm 2019 của đảng Bharatiya Janata (BJP). Nó sẽ mở đường cho những người bị đàn áp tìm kiếm quốc tịch ở Ấn Độ", phát ngôn viên văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết hôm 11/3, đề cập bản tuyên ngôn của đảng cầm quyền BIJ sau khi chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019.
Theo CAA, người dân thuộc các cộng đồng thiểu số tại những nước Hồi giáo Afghanistan, Bangladesh và Pakistan sẽ được cấp quốc tịch Ấn Độ nếu họ tới nước này trước tháng 12/2014. Những cộng đồng này gồm người theo Hindu giáo, đạo Sikh, Phật giáo, Jains, Parsis và Kitô giáo. Trong khi đó, người Hồi giáo ở ba quốc gia trên không thuộc diện được cấp quốc tịch theo đạo luật.
Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết đơn đăng ký sẽ được gửi trực tuyến qua một cổng thông tin điện tử do chính phủ cung cấp.
CAA được quốc hội Ấn Độ thông qua vào tháng 12/2019, song việc thi hành đã bị trì hoãn sau khi xuất hiện làn sóng biểu tình phản đối quy mô lớn. Tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Các tổ chức Hồi giáo nói đạo luật này, cùng với chương trình sổ đăng ký công dân quốc gia, có thể khiến hơn 200 triệu người Hồi giáo tại Ấn Độ bị phân biệt đối xử. Họ cho rằng chính phủ nước này có thể tước quốc tịch của những người Hồi giáo không có giấy tờ ở các bang biên giới.
Chính quyền Thủ tướng Modi phủ nhận CAA là đạo luật chống người Hồi giáo, đồng thời khẳng định rằng đạo luật này là cần thiết để giúp đỡ các cộng đồng tôn giáo thiểu số "đang bị đàn áp" tại các nước có đông người theo đạo Hồi. Ấn Độ là quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo đông thứ ba thế giới.
Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh CAA được ban hành nhằm mục đích trao quốc tịch, chứ không phải tước bỏ từ bất kỳ ai. Chính quyền ông Modi cũng cáo buộc các cuộc biểu tình phản đối CAA trước đó đều có động cơ chính trị.
Động thái được tiến hành khi Ấn Độ chuẩn bị tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 5. Các kết quả khảo sát cho thấy Thủ tướng Modi, người nắm quyền từ năm 2014, sẽ giành chiến thắng dễ dàng để tiếp tục tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ.
Đảng Quốc đại đối lập ngày 11/3 cáo buộc chính quyền ông Modi có động cơ chính trị khi thông báo ban hành đạo luật trước thềm cuộc bầu cử.
"Sau 9 lần gia hạn thời điểm thông báo các quy tắc, việc chính phủ Ấn Độ chọn thời điểm ngay trước cuộc bầu cử rõ ràng là nhằm làm gây ra chia rẽ trong sự kiện này, đặc biệt là ở Tây Bengal và Assam", phát ngôn viên đảng Quốc đại Jairam Ramesh viết trên mạng xã hội X.
Hai bang miền đông Tây Bengal và Assam là các khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống ở Ấn Độ, đồng thời cũng là nơi diễn ra các cuộc biểu tình phản đối CAA trong quá khứ. Người Hồi giáo tại đây sợ rằng chính phủ có thể dùng đạo luật để tuyên bố họ là người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh và tước quốc tịch Ấn Độ của họ.
|