Theo như trong các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ về cuộc đua tài chính trong vấn đề tiền bạc không còn là điều cấm kỵ, bên nào càng nhiều tiền thì càng tự hào, càng có nhiều tiền chi cho chiến dịch tranh cử thì càng có cơ hội thắng cử tổng thống Mỹ, trong khi ông Joe Biden hiện đang tận hưởng một lợi thế vô cùng lớn trước đối thủ Donald Trump : lợi thế tài chính vượt trội.
Hai ứng viên Joe Biden (T) và Donald Trump cho kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2024. © RFI
Trong cuộc chạy đua tái tranh cử tổng thống Mỹ, Joe Biden hiện đang tận hưởng một lợi thế vô cùng lớn trước đối thủ Donald Trump : lợi thế tài chính vượt trội. Trong các kỳ bầu cử ở Mỹ, nói đến vấn đề tiền bạc không còn là điều cấm kỵ, bên nào càng nhiều tiền thì càng tự hào, càng có nhiều tiền chi cho chiến dịch tranh cử thì càng có cơ hội thắng cử.
AFP ngày 21/03/2024 cho biết theo báo cáo định kỳ hàng tháng mới nhất của hai ứng viên Biden và Trump trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2024, được cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban Bầu cử Quốc gia) công bố hôm 21/03, tổng thống - ứng viên Joe Biden tính đến cuối tháng 02/2024 đã có hơn 71 triệu đô la. Con số này cao gấp đôi so với số tiền của Donald Trump (33,5 triệu vào cuối tháng 01/2024).
Báo Pháp Les Echos ngày 06/03 trích dẫn báo Financial Times, theo đó trong các kỳ bầu cử 2016-2020, Donald Trump nhận được nhiều khoản quyên góp « nhỏ » (dưới 200 đô la), nhưng trong những tháng cuối năm 2023, số lượng nhà tài trợ « nhỏ » ủng hộ Trump đã giảm đáng kể so với năm 2020.
Trong bài viết « Biden, Trump và cuộc đua tài chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ » đăng ngày 03/03/2024, giáo sư Paul Whiteley khoa Quản trị, Đại học Essex, Anh Quốc, cho biết trong kỳ bầu cử năm 2020, Trump giành được nhiều phiếu bầu hơn ở các bang mà đảng Cộng Hòa có truyền thống giành chiến thắng ; nhưng những bang này thường nghèo hơn các bang ủng hộ đảng Dân Chủ. Điều này có nghĩa là Trump có thể sẽ nhận được ít tiền từ các khoản quyên góp cá nhân hơn Biden.
Cũng trong kỳ bầu cử tổng thống 2020, các khoản quyên góp ẩn danh từ những người rất giàu, thông qua các tổ chức « Super PAC » (Siêu Ủy ban Hành động Chính trị) lại ủng hộ đảng Dân Chủ nhiều hơn là đảng Cộng Hòa. Theo OpenSecrets, Biden đã nhận được 174 triệu đô la còn Trump chỉ nhận được 25 triệu đô la.
Xin nhắc lại là Super PAC ra đời từ năm 2010, cho phép quyên góp số tiền không giới hạn từ các cá nhân, công ty, tổ chức để gián tiếp tài trợ cho chương trình tranh cử của các ứng viên mà họ ủng hộ
Những khó khăn tài chính đặc biệt của Donald Trump
Donald Trump cũng đang vướng vào nhiều vụ kiện tụng và bị cáo buộc hình sự 4 lần, chỉ riêng trong tháng 02 vừa qua đã phải lấy 5,6 triệu đô la từ quỹ tài chính « Save America » của ông để thanh toán các chi phí pháp lý. Nhóm vận động tranh cử của Joe Biden không ngần ngại chơi chữ, gọi Donald Trump là « Don Poorleone » (Don le fauché - Bố già phá sản).
Theo báo Pháp Courrier International ngày 22/03, các luật sư của cựu tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa thậm chí đã cho biết thân chủ của họ không có khả năng nộp 454 triệu đô la la tiền bảo đảm trong một vụ án dân sự liên quan đến việc ông và các con bị tuyên án « gian lận thuế » trong những năm 2010. Nếu Donald Trump không nộp đủ khoản tiền bảo lãnh vào hạn chót là ngày 25/03/2024, tài sản của cựu tổng thống Mỹ có thể bị tịch thu. May mắn cho Trump là cuối cùng tòa án liên bang ở New York, hôm qua, 25/03, đã giảm số tiền bảo đảm yêu cầu ông nộp xuống còn 175 triệu đô la.
Nhưng dẫu sao điều này cũng gây tổn hại đến hình ảnh một doanh nhân thành đạt mà ông đã xây dựng, nhất là khi, theo báo Mỹ Washington Post, vào năm 2015, trong cuộc đua đầu tiên cho chức tổng thống, ông Trump từng tuyên bố muốn tự tài trợ cho chiến dịch tranh cử chứ không cần tiền của bất cứ ai khác.
Thêm một cái khó cho Donald Trump, theo nhật báo Mỹ Washington Post, được báo Pháp Courrier International trích dịch, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng Hòa (RNC) khẳng định « không có điều kiện giải cứu cho ứng viên ». Trong quỹ của RNC chỉ có 11,3 triệu đô la so với số 26,6 triệu đô la trong quỹ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân Chủ (DNC). RNC cũng khẳng định « sẽ không sử dụng tiền quỹ mà họ đã quyên góp được để trang trải các chi phí háp lý của ứng cử viên Donald Trump », cho dù ông Trump đã thành công trong việc dùng ảnh hưởng và đưa con dâu ông là Lara Trump lên thành đồng chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng Hòa.
Đảng Cộng Hòa phải chi nhiều hơn đảng Dân Chủ cho kỳ bầu cử TT Mỹ 2024
Tiền quỹ của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng Hòa (RNC) hiện chỉ bằng non nửa so với của Ủy ban Quốc gia đảng Dân Chủ (DNC). Tuy nhiên, theo giáo sư Paul Whiteley, đảng Cộng Hòa đang phải chi nhiều hơn đảng Dân Chủ trong kỳ bầu cử 2024. Chỉ tính riêng số tiền chi cho kỳ vận động tranh cử tổng thống Mỹ 2024, không tính các khoản cho bầu cử lập pháp và bầu cử địa phương cấp bang, thì đảng Cộng Hòa cho đến đầu tháng 03/2024 đã chi 191 triệu đô la, con số này bên phía đảng Dân Chủ chỉ là 48 triệu đô la. Sự chênh lệch này chủ yếu do Joe Biden hầu như không có đối thủ quan trọng trong kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ, trong khi bên phía đảng Cộng Hòa có tới 9 ứng viên tranh cử và đảng Ủy ban Quốc gia đảng Cộng Hòa đều phải chi cho các chiến dịch vận động của các ứng viên này.
Kỳ bầu cử tốn kém nhất lịch sử
Theo các chuyên gia, kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2024 hứa hẹn sẽ là kỳ bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, với tổng số tiền thậm chí còn cao hơn năm 2020, vốn dĩ đã ở mức cao kỷ lục. Những khoản tiền khổng lồ này được sử dụng để tài trợ cho các chuyến đi vận động tranh cử của các ứng viên, trả lương cho nhóm phụ trách vận động tranh cử, thực hiện các cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến hoặc quảng cáo trên truyền hình …
Mỗi chuyến đi vận động tranh cử của Joe Biden cũng như Donald Trump đều có mục tiêu kép : một mặt, các cuộc mit-tinh công khai là nhằm vận động cử tri, nhưng đằng sau đó, các buổi gặp gỡ, chiêu đãi kín đáo là nhằm thu hút các nhà tài trợ là đại gia.
Chẳng hạn, vẫn theo AFP, trong cuộc gặp gỡ kéo dài hơn một giờ ở Dallas hôm thứ Tư 20/03, Joe Biden đã thu được 2,5 triệu đô la tiền quyên góp. Về phía ông Donald Trump, thiệp mời dự buổi tiệc tối với ông hôm 22/02 ở Nashville (miền nam Mỹ) thông báo giá vé vào cửa 1.000 đô la, vé hạng sang và quyền được chụp ảnh với ông Trump thì có giá tới hơn 23.000 đô la.
Theo ước tính của NBC News, hoạt động gây quỹ lớn ngày 28/03 tại New York, với sự hiện diện của Joe Biden và các vị tổng thống tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ, Bill Clinton và Barack Obama, dự kiến sẽ quyên góp được khoản tiền ấn tượng - hơn 10 triệu đô la. Khách mời sẽ phải chi tối thiểu 100.000 đô la để có một bức ảnh chụp chung với các vị tổng thống thứ 42 - 44 và 46 của Hoa Kỳ.
Các nhà quyên góp chính là ai ?
Tuần báo Pháp L’Express ngày 05/03 cho biết, theo ước tính của tạp chí Mỹ Forbes, trong kỳ bầu cử năm 2020, 20 nhà quyên góp lớn nhất đã tài trợ tổng cộng 2,3 tỉ đô la. Trong số các nhà đài thọ lớn, có nhiều đại gia nổi tiếng trong các lĩnh vực tài chính, truyền thông, công nghệ, công nghiệp… Có những người ủng hộ đảng Dân Chủ, hoặc đảng Cộng Hòa, nhưng nhiều người « đổ tiền » cho cả hai đảng để « phòng thân » trong trường hợp không chắc bên nào thắng, hoặc đề phòng khả năng phe của tổng thống không đạt được đa số tuyệt đối ở Quốc Hội sau này.
Trong số những tỉ phú tài trợ cho đảng Cộng Hòa hồi năm 2020, báo Les Echos ngày 06/03 nhắc đến vợ chồng Adelson (Sheldon Adelson đã qua đời hồi năm 2021), trùm sòng bạc ở Las Vegas, vợ chồng Stephen Schwarzman, người điều hành quỹ đầu tư Blackstone, hay Charles Schwab, giám đốc công ty môi giới chứng khoán cùng tên. Tương tự, trong số những người hào phóng ủng hộ Biden năm 2020, mà rất nhiều người là đại gia công nghệ và tài chính, có thể kể đến Dustin Moskovitz, một trong những tỷ phú trẻ nhất thế giới, từng tham gia sáng lập Facebook, hay Reid Hoffman, một trong những nhà sáng lập LinkedIn. Một cái tên nổi bật khác là tỉ phú - « ông trùm » truyền thông Mike Bloomberg.
Những nhà quyên góp hào phóng nhất đương nhiên mong chờ sẽ nhanh chóng thu lợi thực sự. Nhà báo, nhà chính trị học Christine Bonzom, chuyên gia về nước Mỹ, được báo Les Echos trích dẫn, phân tích : « Có ba lý do chính khiến các tỷ phú chi nhiều đến vậy cho các ứng viên: niềm tin chính trị, niềm hy vọng là lĩnh vực kinh tế của họ sẽ được ưu đãi và cuối cùng là khả năng tiếp cận giới chính trị và các vị trí cho chính họ và những người thân cận ».
Cụ thể, các nhà tài trợ mong muốn tác động trực tiếp đến chính sách của ứng viên mà họ tài trợ, đặc biệt thông qua các dân biểu, nghị sĩ để thúc đẩy sửa đổi nội dung của một đạo luật, đôi khi thông qua vận động hành lang một cách quyết liệt.
Vấn đề là sự liên kết tiền bạc - chính trị ngày càng làm gia tăng khoảng cách giữa giới tinh hoa và cử tri, nhất là khi các chiến dịch vận động tranh cử giờ đây hầu như không còn hướng tới người dân, các cuộc mit-tinh biến mất dần, thay vào đó là các cuộc gặp gỡ với các nhà tài trợ đại gia.
Nhà chính trị học Christine Bonzom nhắc lại : « Năm 2012, Barack Obama và Mitt Romney đều thừa nhận đã dành nhiều thời gian để kêu gọi các nhà tài trợ giàu có hơn là gặp gỡ người dân Mỹ. Các ứng viên ngày càng tích cực tham gia vào công cuộc tìm kiếm tài trợ không hồi kết. Và Joe Biden hầu như chỉ tham gia vào các sự kiện gây quỹ ».