Nắng nóng làm thực phẩm dễ ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, món ăn không đảm bảo vệ sinh gây nhiễm trùng đường ruột.
Ngày 9/8, thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết hai tháng qua, trung bình mỗi tháng đơn vị tiếp nhận gần 200 ca nhiễm khuẩn đường ruột, tăng khoảng 30% so với các tháng trước đó, trong đó không ít trường hợp nặng, phải nhập viện điều trị.
Nhiễm trùng đường ruột là tình trạng đường tiêu hóa bị viêm sau khi tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus. Nhiều trường hợp nguyên nhân mắc bệnh đến từ thói quen ăn thịt nướng, xiên nướng và trà hoa quả, nước ngọt, món ăn vặt không đảm bảo vệ sinh.
Nắng nóng xen kẽ mưa thất thường khi chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Thực phẩm, đồ uống không được chế biến và bảo quản đúng cách có thể là nguồn lây vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột. Hải sản, rau sống, các món ăn tái dễ bị nhiễm khuẩn hơn trong những ngày nắng nóng. Các loại vi sinh vật, ký sinh trùng chính gây bệnh như salmonella, shigella, listeria, giardia lamblia... Các hoạt động ngoài trời, picnic, du lịch... tăng vào dịp hè cũng khiến chế độ ăn uống của nhiều người khó đảm bảo.
Đơn cử chị Lan, 31 tuổi, Hà Nội, mang thai tuần 28, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cấp cứu do đau bụng vùng hạ vị tăng nặng, nôn, sốt kèm tiêu chảy. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số bạch cầu tăng cao kèm thiếu máu, thiếu nước. Siêu âm ổ bụng ghi nhận tăng nhẹ nhu động ruột, thành ruột dày nhẹ, viêm. Bác sĩ chẩn đoán chị Lan bị nhiễm trùng đường ruột cấp. Chị cho biết từ ngày mang thai thường xuyên thèm xiên nướng, các món nộm, gỏi...
Tương tự, chị Hà, 22 tuổi, Bắc Ninh, đau quặn bụng thành cơn, buồn nôn, nôn kèm đại tiện phân lỏng hơn ba lần một ngày. Chị tự mua thuốc uống nhưng không bớt, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh nhiễm trùng đường ruột do ăn thực phẩm nhiễm khuẩn, cụ thể là đồ nướng tái chưa chín. Chị có bệnh nền suy giáp, ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật, bác sĩ chỉ định chị nhập viện theo dõi điều trị.
Theo bác sĩ Tiến, cả hai người bệnh đều có hệ miễn dịch yếu, khiến nhiễm trùng đường ruột có xu hướng tăng nặng. Sau ba ngày điều trị, họ dần ổn định sức khỏe, xuất viện.
Triệu chứng nhiễm trùng đường ruột phụ thuộc vào loại vi sinh vật, mức độ nhiễm trùng, độ tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh. Biểu hiện bệnh thường thấy như sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy thường xuyên... Các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với nguồn lây 1-3 ngày.
Theo bác sĩ Tiến, triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn ở trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi hoặc người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, ung thư.... Nhóm người này có hệ thống miễn dịch yếu, khiến vi sinh vật dễ lây lan, gây nhiễm khuẩn nặng làm mất nước, rối loạn điện giải cao.
Đa phần nhiễm trùng đường ruột có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, bù điện giải, chia nhỏ các bữa ăn... Tuy nhiên, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch hoặc có triệu chứng nặng như đau bụng nhiều, sốt cao, ỉa lỏng nhiều lần, phân có máu, tiểu ít, thiếu máu... nên đến viện khám. Bác sĩ sẽ theo dõi sát và điều trị phù hợp, tránh biến chứng.
Người bệnh không nên tự uống thuốc, nhất là thuốc kháng sinh. Không tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy vì có thể cản trở quá trình loại bỏ tác nhân gây bệnh, kéo dài các triệu chứng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị tại nhà như kháng sinh nếu nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc thuốc giảm đau khó chịu ở bụng, probiotics bổ sung vi khuẩn tốt.
Để phòng bệnh, bác sĩ Tiến khuyến cáo nấu chín thực phẩm, rửa tay thường xuyên. Hạn chế dùng đồ uống có đá, tránh ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chưa được nấu chín kỹ, uống nước lọc hoặc nước đun sôi.
|
|