Đã là quan chức Trung Quốc thì khó lòng không gắn với chức tham. Từ khi mở chiến dịch đả hổ đập ruồi đến nay đã có không biết bao nhiêu quan tham ngã ngựa. Vì thế mà thời gian gần đây việc quan chức nước này từ chức đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".
Một số ý kiến cho rằng, thời đại coi trọng việc làm quan tại Trung Quốc đã lùi xa, cán bộ từ chức bởi ngoài sự thay đổi và phát triển của thời đại còn vì sự thay đổi trong tư tưởng và quan niệm cá nhân.
"Trong làn sóng cải cách mạnh mẽ, khó tránh khỏi có một số người "đi tiên phong mở ra một cánh cửa mới", Đa chiều (Mỹ) nhận định.
Tạp chí Outlook Weekly (Trung Quốc) đánh giá, những cán bộ từ chức hiện nay đều là những những nhân tài với nền tảng học vấn cao và được đào tạo bài bản.
Trên chính trường Trung Quốc, sự ra đi của của bất kể cán bộ nào cũng đều gây nên một vài "cơn địa chấn".
Tháng 7/2016, truyền thông Đại lục đưa tin Phó Giám đốc Sở Thông tin kiêm người phát ngôn Tòa án nhân dân tối cao Tôn Quân Công chính thức từ nhiệm.
Điều đáng chú ý, trong hệ thống phân cấp chính trị Trung Quốc, cấp Sở thuộc hệ thống chính trị cấp cao nên dẫn đến nghi vấn, tại sao một quan chức cấp cao lại "nhảy việc"?.
Tờ The paper (Trung Quốc) sau đó tiết lộ, sau khi nghỉ việc, Tôn đã chuyển sang đầu quân cho một doanh nghiệp với vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.
Hay tháng 9/2015, Thị trưởng Tế Ninh, Sơn Đông - ông Mai Vĩnh Hồng tuyên bố từ chức.
Trả lời thắc mắc cho quyết định từ chức bất ngờ, Mai cho biết rất nhiều người cho rằng, công việc ngoài biên chế không phải là "con đường đúng đắn" nhưng theo ông, quan niệm "học tốt để ra làm quan" này đã quá cổ hủ.
Đa chiều nhận định, mặc dù hiện tượng từ chức này được đánh giá là sự tiến bộ của nền chính trị Trung Quốc - mở rộng quyền lựa chọn cho cán bộ - thì cũng có một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến các cán bộ từ chức là bởi sự gò bó, nghiêm khắc từ chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Giám đốc Viện nghiên cứu Xây dựng lịch sử đảng Đại học Sơn Đông Quách Văn Lượng đánh giá, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc từ chức của cán bộ ví như: Không hài lòng với chế độ đãi ngộ, ít có cơ hội thăng tiến, áp lực chống tham nhũng...
Theo tờ Thanh niên Trung Quốc, quyết định từ chức giúp các cán bộ vốn là những phần tử trí thức có lựa chọn thích hợp hơn cho sự phát triển của bản thân.
Tờ China Newsweek (Trung Quốc) cũng cho rằng, những cán bộ đã từ chức đa phần đều là những nhân tài với chuyên môn cao. Với họ, rời biên chế nhà nước, ngoài việc nhận được mức đãi ngộ cao hơn, họ sẽ không còn phải chịu sự gò bó và áp lực như thời kỳ làm quan trước đó.
VietBF © sưu tập