Cuối tuần qua, quan hệ Mỹ-Triều Tiên có thể nói là "căng như dây đàn". Ngược lại, trong đầu tuần này, cả hai bên đã "hạ giọng" với nhau.
Sự hạ nhiệt có thấy rõ khi giá vàng giảm mạnh, trong khi đó, đồng đô la lại tăng giá. Dường như Triều Tiên đang chủ động “cuộc chơi” và đưa nó trở lại quỹ đạo mà nước này mong muốn…
Xoa dịu bằng viện trợ
Thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân là cách Triều Tiên phô diễn sức mạnh mà theo nước này là để “tự vệ”, tuy nhiên đây cũng là cách hiệu quả mang về nguồn tài chính quan trọng cho nền kinh tế nghèo nàn.
Các quốc gia gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân đã phải rót những khoản tiền viện trợ lớn dưới mỹ từ “ngoại giao kiểm soát thiệt hại” – thực chất là dùng viện trợ thuyết phục Triều Tiên tạm quên vấn đề hạt nhân trong chốc lát.
Trong một phần tư thế kỉ qua, Triều Tiên đã tiếp nhận viện trợ trị giá 20 tỉ USD bao gồm tiền mặt, thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Washington đã chi 1,3 tỉ USD viện trợ vô điều kiện cho Triều Tiên trong giai đoạn từ 1995 đến 2008. Khoảng 60% trong số đó là viện trợ lương thực, phần còn lại là hỗ trợ năng lượng – theo số liệu của chính phủ Mỹ.
Gần đây hơn, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chi 1 tỉ USD cứu trợ lũ lụt thông qua Liên Hiêp Quốc hồi tháng 1 năm nay trước khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Hàn Quốc đã chính thức trao cho quốc gia láng giềng phương Bắc 7 tỉ USD trong giai đoạn 1998 đến 2007 bằng tiền mặt, thực phẩm, thuốc trừ sâu, trang thiết bị y tế… Năm 2013, Seoul chấp thuận viện trợ 6 triệu USD cho trẻ em Triều Tiên. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Moon cũng cho biết sẵn sàng cấp 6 triệu USD giúp Triều Tiên thực hiện điều tra dân số.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng viện trợ Bình Nhưỡng khoảng 1 tỉ đến 1,5 tỉ USD từ năm 2003 đến nay.
Chủ động cuộc chơi
Những khoản viện trợ lớn kể trên đổi lấy lời hứa giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cho dù quốc gia viện trợ cũng chẳng mấy tin vào những lời hứa này.
Bình Nhưỡng không ít lần hứa hẹn từ bỏ vũ khí hạt nhân – năm 2007, nước này đồng ý vô hiệu hoá tất cả các cơ sở hạt nhân để đổi lấy viện trợ dầu mỏ hoặc kinh tế. Hiển nhiên là lời hứa này chưa bao giờ được xúc tiến.
Gần đây hơn, chính quyền Triều Tiên nói sẵn sàng “đóng băng” việc thử tên lửa và hạt nhân nếu Washington ngừng tập trận quân sự với Seoul.
Có thể nói, Bình Nhưỡng đã chủ động tạo ra một cuộc chơi “tinh khôn” mà đi kèm sau hành động “đe dọa bất thường” là những cuộc đàm phán và kế tiếp là nhượng bộ từ cộng đồng quốc tế.
Trong vòng xoáy căng thẳng Mỹ - Triều Tiên mới đây, Triều Tiên bắn thử liên tiếp 2 quả tên lửa đạn đạo và tuyên bố lên kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ bằng tên lửa. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa trút “lửa giận” lên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng còn đe dọa Washington. Căng thẳng tưởng đến mức rất nguy hiểm thì bất ngờ hạ nhiệt khi lãnh đạo Kim Jong-un yêu cầu hoãn kế hoạch phóng tên lửa vào Guam, “chờ theo dõi” các hành động của Mỹ trước khi đưa ra “quyết định quan trọng”.
Sẽ không ngạc nhiên khi điều Triều Tiên mong muốn thời gian tới là đàm phán, nhượng bộ và viện trợ.
Chính sách “đổi viện trợ lấy hòa bình” này có thể được Triều Tiên khai thác triệt để hơn trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện nay. Ông Moon là người có quan điểm ủng hộ tăng cường quan hệ liên Triều và viện trợ nhân đạo.
VietBF © Sưu tập