Triều Tiên quyết đối đầu với Mỹ khiến dư luận rất lo ngại chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra. Hậu quả sẽ khủng khiếp khôn lường. Tuy nhiên, Triều Tiên lại nói rằng họ xem sự tồn vong của đất nước là trên hết và muốn sở hữu năng lực hạt nhân để răn đe các nước khác.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong một lần đến thăm các đơn vị quân đội ở khu vực gần đảo Taeyonphyong của Hàn Quốc - Ảnh: AFP
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN ngày 16-10, một quan chức Triều Tiên tiết lộ Bình Nhưỡng hiện quyết tâm phát triển được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công "tới cả bờ Đông của lục địa Mỹ".
Có miếng rồi… sẽ có tiếng
Trả lời CNN về mục đích thật sự của Bình Nhưỡng, vị quan chức giấu tên cho biết cho đến thời điểm hiện tại, Triều Tiên không quan tâm mấy tới phương án dùng ngoại giao với Mỹ, cho đến khi Bình Nhưỡng đạt được mục tiêu của mình.
Thật sự mà nói Triều Tiên không loại trừ giải pháp ngoại giao nhưng "trước khi chúng tôi dùng ngoại giao với chính quyền ông Trump, chúng tôi muốn truyền tải rõ thông điệp rằng CHDCND Triều Tiên sở hữu năng lực tấn công và phòng thủ đáng tin cậy để đối phó bất kỳ động thái gây hấn nào từ Mỹ", theo quan chức trên.
Nếu đúng như thông tin của quan chức Triều Tiên này, đây rõ ràng là một thách thức đáng kể cho Mỹ giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump úp mở về các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Báo Washington Post của Mỹ hồi cuối tháng 9 cho biết Triều Tiên hiện có ba mục tiêu thực hiện xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần. Thứ nhất, Triều Tiên muốn duy trì là một quốc gia hạt nhân. Thứ hai, Triều Tiên muốn cho Mỹ thấy nước này hùng mạnh như cách Bình Nhưỡng chống lại các nghị quyết trừng phạt. Và cuối cùng, Triều Tiên đang muốn hiểu rõ hơn về ông Trump để từ đó có cách tiếp cận hợp lý.
Theo CNN, Triều Tiên thực chất về lâu dài muốn duy trì các vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa để ngăn các nỗ lực của Mỹ nhằm lật đổ chính quyền ông Kim Jong Un.
Nhìn vào các trường hợp Saddam Hussein của Iraq và Muammar Gaddafi của Libya, Triều Tiên tin rằng chỉ bằng cách sở hữu năng lực trả đũa Mỹ bằng hạt nhân thì Mỹ mới không dám can thiệp quân sự vào Triều Tiên.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá Triều Tiên sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Ông Kim Jong Un chắc chắn xem sự tồn vong của Triều Tiên là trên hết và biết rõ rằng việc dùng vũ khí hạt nhân chỉ châm ngòi cho một cuộc chiến mà ông không thể thắng nổi.
Chỉ cần thêm 2 bước?
Trong bài phỏng vấn với đài CNN của quan chức Triều Tiên trên, có một chi tiết đáng chú ý mà theo ông nói là quyết tâm chế tạo tên lửa liên lục địa (ICBM) tấn công tới bờ Đông nước Mỹ, tức đã bao trùm cả lãnh thổ Mỹ về mặt lý thuyết.
Tuy nhiên, ông cho biết hiện cần thêm hai bước nữa để Triều Tiên đạt được mục tiêu chế tạo một ICBM đáng tin cậy như vậy.
Bước đầu tiên là một vụ thử hạt nhân "bên ngoài lòng đất" như Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho từng đề cập. Tại Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước, ông Ri nói rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang xem xét kích nổ "một quả bom nhiệt hạch với quy mô chưa từng có" ở Thái Bình Dương sau khi ông Trump đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên.
Bước thứ hai là "thử một ICBM tầm xa có khả năng vươn đến đảo Guam và thậm chí xa hơn", theo quan chức trên.
Ngay tuần trước, truyền thông Triều Tiên một lần nữa đã lặp lại lời đe dọa tấn công đảo Guam - "tàu sân bay" không chìm của Mỹ ở Thái Bình Dương. Đồng thời, nước này cảnh báo "các động thái coi thường" của Mỹ có thể buộc Bình Nhưỡng phải hành động.
Vị quan chức Triều Tiên nói rằng cả hai bước trên giữ vai trò cần thiết để Bình Nhưỡng gửi "thông điệp rõ ràng" tới chính quyền ông Trump rằng CHDCND Triều Tiên hiện sở hữu năng lực tấn công và ngăn chặn hạt nhân hiệu quả.
Theo ông, một trong hai bước này hoặc cả hai bước có thể được tiến hành vào thời điểm trùng với các cuộc tập trận hải quân chung Mỹ - Hàn (đã được khởi động ngày 16-10 và dự kiến kéo dài 10 ngày) hoặc trùng với chuyến công du châu Á của ông Trump vào tháng tới.
Một cuộc tập trận đổ bộ của binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Từ thông tin được quan chức trên tiết lộ, có thể thấy ưu tiên hàng đầu hiện nay của Triều Tiên là tạo ra một năng lực răn đe giúp bảo vệ nước này mọi lúc, ngay cả trong trường hợp Mỹ tấn công quân sự.
Về phía Washington, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cuối tuần trước cho biết Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao miễn là khả thi mặc dù hai bên đang khẩu chiến gay gắt. "Các nỗ lực ngoại giao đó sẽ tiếp tục cho đến khi những quả bom đầu tiên rơi xuống" - ông Tillerson nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Brendan Boyle đến từ Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ cho rằng Washington nên tiếp tục theo đuổi giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng nhưng bằng mọi cách phải ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ. "Tôi không tin chúng ta có thể sống chung với loại năng lực đó" - ông Boyle tuyên bố.
Tuy nhiên, Triều Tiên có thật sự thử bom H ở Thái Bình Dương hay dám tấn công đảo Guam để hoàn thiện năng lực hay không thì chưa nói trước được. Và câu hỏi khi đó là Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao hay không nếu viễn cảnh này xảy ra?
VietBF © sưu tập