Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa và khó có thể hạ nhiệt. Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đang có sự chuẩn bị ký lưỡng nếu chiến tranh xảy ra . Mỹ lại điều tàu sân bay thứ hai áp sát Triều Tiên.
Biên đội tác chiến do tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ dẫn đầu ngày 24/10 đã đi vào bán đảo Triều Tiên để gia nhập với biên đội tàu do tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu, mạng tin Military cho biết.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ (Ảnh: Military)
Theo Military, biên đội tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời cảng đồn trú ở San Diego hồi đầu tháng này để thực hiện sứ mệnh triển khai ở các vùng biển Tây Thái Bình Dương và Vùng Vịnh.
Tại vùng biển Tây Thái Bình Dương, biên đội tàu USS Theodore Roosevelt sẽ phối hợp với biên đội tàu USS Ronald Reagan đang triển khai ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Hai nhóm tàu này có thể diễn tập gần bán đảo Triều Tiên trong thời gian Tổng thống Mỹ Donald Trump công du châu Á vào đầu tháng 11 tới.
Tàu USS Theodore Roosevelt được hộ tống bởi 4 tàu. Biên đội tàu sân bay này gồm khoảng 7.500 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến.
Đô đốc Mỹ Steve Koehler cho biết: “Triển khai ở khu vực hoạt động của Hạm đội số 7 là cơ hội tốt để liên kết với các đơn vị khác của Hải quân Mỹ cũng như của các đồng minh, đối tác trong khu vực”.
Đại tá Hải quân Mỹ Carlos Sardiello cho biết thêm: “USS Theodore Roosevelt sẵn sàng diễn tập các sứ mệnh từ cứu trợ nhân đạo đến phối hợp tác chiến”.
Việc Hải quân Mỹ triển khai cùng lúc 2 nhóm tàu sân bay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khá hiếm hoi. Lần gần đây nhất 2 biên đội tàu sân bay Mỹ cùng hiện diện ở khu vực này là vào tháng 6 khi nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan phối hợp diễn tập. Đó là lần đầu tiên kể từ những năm 1990, hai tàu sân bay Mỹ cùng hoạt động gần bán đảo Triều Tiên.
Hoạt động triển khai trên diễn ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang căng thẳng. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hồi đầu tuần này cảnh báo, năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang ở mức “nghiêm trọng, cấp bách chưa từng có”, đòi hỏi các biện pháp đối phó khác nhau.