Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ tới thăm lực lượng bảo vệ biên giới nước này với Trung Quốc. Điều này đã khiến Trung Quốc cảm thấy hoang mang. Giới chuyên gia Trung Quốc thì cảnh báo rằng cần đề cao cảnh giác trước những hành động của New Delhi ở khu vực biên giới hai nước.
Căng thẳng tranh chấp biên giới Trung - Ấn vẫn là điểm nóng cản trở tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Trước đó, tờ Times of India đưa tin, Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh đã tới thăm và chúc mừng năm mới đồn “cảnh sát biên giới Ấn – Tạng” nằm ở Matli thuộc biên giới Ấn Độ – Trung Quốc vào chiều ngày 31/12/2017.
Cụ thể, ông Singh đã tới thung lũng Nelang và gặp gỡ các binh sĩ cũng như nắm tình hình 10 trạm kiểm soát biên giới nằm ở khu vực này trước khi quay trở về New Delhi.
“Chuyến thăm của Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh rõ ràng là một hành động mang tính khiêu khích sau sự kiện căng thẳng ở cao nguyên Doklam hồi năm 2017. Lực lượng cảnh sát biên giới Ấn – Tạng thực chất là tổ chức tuyển dụng hàng loạt nhân sự đa quốc tịch làm nhiệm vụ trinh thám khu vực biên giới Trung Quốc để chuẩn bị cho các cuộc xung đột biên giới tiềm tàng”, ông Wang Dehua, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Nam và Trung Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu.
Còn theo nhà nghiên cứu Qian Feng tại Hiệp hội Nghiên cứu Nam Á của Trung Quốc, dù căng thẳng Trung – Ấn đã hạ nhiệt và hai bên đang quay trở lại con đường bình thường hóa quan hệ song phương thông qua hàng loạt cơ chế ngoại giao như tổ chức đối thoại về biên giới trong thời gian gần đây, song vấn đề tranh chấp biên giới giữa Bắc Kinh và New Delhi vẫn còn nhiều điểm bất đồng.
Do đó, theo ông Qian, trong bối cảnh Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường hành động ở khu vực biên giới, Trung Quốc không nên chủ quan. Tuy nhiên, nguy cơ bùng nổ xung đột đã được hạ nhiệt sau cuộc đối đầu giữa binh sĩ Trung – Ấn ở cao nguyên Doklam. Bởi theo ông Qian, Ấn Độ giờ đã hiểu về sự quyết tâm cao độ của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
“Trên thực tế, chính phủ Ấn Độ đã tránh nhắc tới vấn đề biên giới trong các phiên họp báo chí đồng thời tìm cách giải quyết vấn đề này sớm nhất có thể. Nguyên nhân là vì New Delhi lo sợ tới năm 2030 Bắc Kinh sẽ quá lớn mạnh để có thể thỏa hiệp. Ngoài chuyến thăm của các quan chức cấp cao tới khu vực biên giới tranh chấp, Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng biên giới”, ông Wang nhận định.
Trong năm 2017, binh sĩ Trung - Ấn đã mặt đối mặt căng thẳng ở Doklam trong vòng 73 ngày và tình hình chỉ lắng dịu vào ngày 28/8 khi hai bên đồng thuận rút quân.
VietBF © sưu tập