Nhà tang lễ New York đang hỗn loạn vì đại dịch Covid-19. Wilson Mak nói rằng thường ngủ thiếp đi sau 14 tiếng làm việc tại nhà tang lễ ở New York, hình ảnh nạn nhân Covid-19 liên tục ám ảnh.
"Khi nhắm mắt lại, tôi vẫn nhìn thấy những cảnh tượng khủng khiếp đó", Mak, quản lý công ty dịch vụ tang lễ Ng Fook ở New York, cho biết. "Nó vượt sức chịu đựng của tôi".
Pat Marmo, chủ sở hữu nhà tang lễ Daniel J. Schaefer ở Brooklyn, New York. Ảnh: AP.
4 nhà tang lễ của N Fook được đặt tại những cộng đồng người Hoa ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố. Chúng là mô hình thu nhỏ của một ngành công nghiệp đang bị quá tải khi các thi thể thường được chất đống trên hành lang, xe tải và những khu chứa thi thể tạm thời liên tục được dựng lên tại các điểm nóng Covid-19 của Mỹ.
Tình trạng quá tải khiến nhà chức trách phải chuyển thi thể tới những nhà hỏa táng ở xa và cắt giảm các dịch vụ tang lễ, đặc biệt là tại New York, nơi ghi nhận gần 26.000 ca tử vong vì nCoV, nhiều nhất cả nước.
Dù vậy, các thi thể vẫn tiếp tục được chuyển đến. "Các nghĩa trang, nhà hỏa táng đều kín chỗ. Bệnh viện thì không muốn giữ các thi thể. Chúng tôi bị mắc kẹt ở giữa", Mak cho hay. "Tôi chưa bao giờ làm việc nhiều như bây giờ mà vẫn không hết việc".
Cả nước Mỹ đến nay báo cáo gần 1,3 triệu ca nhiễm nCoV và gần 77.000 người tử vong, cho thấy cái giá phải trả cho những sai lầm trong chiến lược ứng phó Covid-19, một hệ thống y tế rạn nứt và áp lực chính trị phải mở cửa nền kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục ca ngợi phản ứng của nhà chức trách nhưng chính quyền liên bang đã âm thầm đặt hàng thêm 100.000 túi đựng thi thể và mở thầu khoảng 200 xe đông lạnh chở thi thể.
Các giám đốc nhà tang lễ ở New York hiện phải chờ tới ba tuần cho một vị trí trong nghĩa trang hoặc nhà hỏa táng. Hồi đầu tháng, cơ quan chức năng còn thu hồi giấy phép của một nhà tang lễ ở Brooklyn sau khi người dân phàn nàn về mùi hôi thối và nước rỉ ra từ hai chiếc xe tải không đông lạnh chở hàng chục thi thể đang phân hủy đỗ tại đây.
"Tôi chắc chắn rằng không chỉ có một nhà tang lễ đựng xác trong xe tải như vậy", Mak nói.
Tại một số nghĩa trang, những quy định mới đã được đề ra, trong đó yêu cầu các thành viên gia đình phải ngồi trong xe xem quá trình chôn cất từ xa. Các nhà hỏa táng hiện hoạt động 24/7 và không khuyến khích sử dụng quan tài gỗ vì thời gian thiêu chậm hơn so với quan tài bằng ván dăm hoặc vải.
Lượng thi thể cần được xử lý tại nhà tang lễ Hannemann ở Nyack, phía bắc New York, đã tăng 500%. Lần đầu tiên trong 36 năm, Keith Taylor, chủ cơ sở, phải từ chối các gia đình tìm tới mình.
"Tôi không thể chôn cất tất cả", ông nói. "Tôi không khát tiền đến mức đó". Taylor cho biết ông đau lòng khi phải nói lời từ chối nhưng nhận làm vượt quá khả năng của mình sẽ không giúp ích được cho bất kỳ ai.
Thân nhân từ biệt lần cuối người quá cố qua đời do nhiễm nCoV bên ngoài một nhà tang lễ ở New York. Ảnh: AP.
John D'Arienzo, giám đốc nhà tang lễ D'Arienzo ở Brooklyn, kể ông làm việc chăm chỉ đến mức quên cả ăn và đã sụt 9 kg.
Các giám đốc nhà tang lễ cho hay công việc càng đặc biệt trở nên khó khăn khi nhiều người chết lại là thành viên trong cùng một gia đình.
Mới đây, Taylor chuẩn bị xử lý một thi thể đàn ông thì nhận được yêu cầu hoãn lại vì vợ của người này cũng đang nguy kịch. Vài ngày sau, bà qua đời. Một gia đình khác còn có cha, mẹ và con gái cùng qua đời chỉ trong vòng 8 ngày. "Thật điên rồ", ông nói.
Dù nguy cơ lây nhiễm nCoV từ thi thể tương đối thấp, các nhà nghiên cứu ở Thái Lan mới đây đã báo cáo ca lây nhiễm đầu tiên từ người chết sang một thành viên nhóm khám nghiệm pháp y. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo không nên ướp xác và người đến viếng không nên hôn từ biệt người quá cố.
Khi Mak chuẩn bị kết thúc một ngày làm việc dài khác, ông ngẫm lại những gì đã xảy ra suốt hai tháng qua. "Chẳng ai chuẩn bị cho điều này, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục chiến đấu", ông nói.
VietBF@sưu tập