Trung Quốc sẽ chi mạnh tay để giành lại ngôi đầu công nghệ toàn cầu. Trung Quốc muốn giành vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ, lên kế hoạch bơm hơn 1 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế để tung ra nhiều công nhệ từ mạng di động thế hệ mới cho đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Giới chuyên gia vẫn chưa rõ chính quyền Trung Quốc lấy nguồn ngân sách khổng lồ từ đâu để đầu tư cho lĩnh vực công nghệ
Trong kế hoạch tổng thể được Chủ tịch Tập Cận Bình hậu thuẫn, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 10 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỉ USD) trong vòng 6 năm (2020-2025), kêu gọi chính quyền các cấp và tập đoàn công nghệ cao tư nhân như Huawei Technologies phối hợp triển khai mang di động thế hệ thứ 5 (5G), lắp đặt camera an ninh, đồng thời phát triển phần mềm AI để phục vụ từ xe hơi tự lái cho đến các nhà máy tự động và giám sát hàng loạt.
Khoản đầu tư sẽ giúp các công ty Trung Quốc giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, lặp lại mục tiêu được đề ra trước đó trong chương trình “Made in China 2025”, một sáng kiến đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ chính phủ Mỹ với cáo buộc cho rằng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ cho công ty trong nước, tạo cạnh tranh không công bằng.
“Đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành chiến thắng trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Bắt đầu từ năm nay, chúng tôi thực sự bắt đầu thấy dòng tiền đổ vào lĩnh vực công nghệ”, bà Maria Kwok, Giám đốc điều hành tập đoàn Digital China Holdings tại văn phòng Hồng Kông, cho biết.
Đầu tư vào công nghệ là một phần của gói tài chính đang chờ được thông qua tại kỳ họp quốc hội Trung Quốc trong tuần này. Chính phủ đồng thời sẽ công bố gói tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng lên tới 563 tỉ USD trong năm nay. Các tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba, Tencent Holdings và Huawei sẽ đi tiên phong, đón nguồn vốn đầu tư này.
Mỹ định "chèn ép" nguồn cung chip toàn cầu của Huawei
Chuyên gia Nannan Kou của Bloomberg đánh giá: “Gói kích thích mới của Trung Quốc có thể dẫn đến việc hợp nhất các nhà cung cấp internet, trở thành tập đoàn lớn mạnh hơn để cạnh tranh, vượt mặt những tập đoàn hàng đầu thế giới như GE (Mỹ) và Siemens (Đức) vào năm 2025”.
Kế hoạch 10 nghìn tỉ nhân dân tệ sẽ bao gồm những lĩnh vực Trung Quốc xác định là ưu tiên hàng đầu, như AI và IoT (Mạng lưới vạn vật kết nối Internet) cùng những sản phẩm như đường dây điện áp cực cao (UHV) và đường sắt cao tốc, theo Trung tâm Thông tin về Phát triển Công nghiệp Trung Quốc.
Trong động thái nhằm tránh phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, Digital China sẽ thực hiện dự án lưu trữ dữ liệu đám mây cho thành phố Trường Xuân (Trung Quốc), thay thế công nghệ của công ty Mỹ IBM, Oracle và EMC bằng công nghệ nội địa.
Các công ty Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh xây dựng hàng loạt trung tâm dữ liệu. Bên cạnh đó, chính quyền hơn 20 tỉnh ở Trung Quốc áp dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây nội địa, theo nghiên cứu hồi tháng 3 của tập đoàn UBS.
Chính quyền Mỹ cho rằng chiến lược phát triển công nghệ của Bắc Kinh là ví dụ điển hình cho mô hình phát triển dựa trên cạnh tranh không lành mạnh, gây bất lợi cho doanh nghiệp Mỹ bằng cách tài trợ cho doanh nghiệp Trung Quốc và giới hạn doanh nghiệp ngoại tiếp cận thị trường.
Những chỉ trích nặng nề nhất dành cho chương trình "Made in China 2025" cho rằng các mục tiêu đầy tham vọng của nó đang là động lực cho những hành vi mà giới chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc thực hiện, bao gồm chuyển giao kỹ thuật bắt buộc và trộm thông tin mạng.