Các quốc gia đang tạm kiểm soát được căn bệnh dường như đã có dấu hiệu chủ quan với đại dịch Covid-19, nới lỏng lệnh hạn chết quá sớmcó thể đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai”.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp, nhấn mạnh nhân loại vẫn đang ở giữa đợt bùng phát đầu tiên. Trong khi tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia đã suy yếu, số ca nhiễm mới ở nhiều nước Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi có chiều hướng gia tăng.
Ông Ryan cho biết các đại dịch thường kéo đến theo đợt. Như vậy, Covid-19 có thể quay lại vào cuối năm nay, tại những nơi "làn sóng" đầu tiên đã lắng xuống. Nếu các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ quá sớm, tỷ lệ lây nhiễm sẽ tăng trở lại.
"Chúng ta không thể mặc định rằng căn bệnh sẽ tiếp tục suy yếu chỉ vì nó đang tạm thời được khống chế ở một số quốc gia. Thế giới có vài tháng để sẵn sàng đối phó với làn sóng thứ hai, và dịch có thể tiếp tục đạt đỉnh một lần nữa", ông nói.
WHO cũng cho rằng các nước châu Âu và Bắc Mỹ nên tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và củng cố hệ thống y tế công cộng, kịp thời giám sát, sàng lọc, thực hiện các chiến lược toàn diện, đảm bảo số ca nhiễm mới giảm ổn định, để đỉnh dịch thứ hai không đến ngay lập tức.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp WHO trong buổi họp tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 3/5. Ảnh: Reuters
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Telegraph, tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu, cảnh báo những quốc gia đang nới lỏng lệnh hạn chế rằng "giờ là thời gian để chuẩn bị, không phải ăn mừng".
Ông nhấn mạnh các trường hợp dương tính ở Anh, Pháp, Italy bắt đầu giảm không có nghĩa đại dịch sắp kết thúc. Hiện Covid-19 đã chuyển hướng sang Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan.
Tiến sĩ Ryan nhận định đỉnh dịch hoặc làn sóng lây nhiễm tiếp theo có thể đến trong mùa cúm thông thường. Sự cộng hưởng của hai căn bệnh sẽ khiến công tác kiểm soát trở nên vô cùng phức tạp.
Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ và bệnh truyền nhiễm của WHO, khuyến cáo các quốc gia, dù đã thành công khống chế virus, vẫn cần cảnh giác cao độ.
"Đặc điểm nổi bật của nCoV là khả năng khuếch tán cực nhanh trong một số điều kiện nhất định, tạo ra các cụm siêu lây nhiễm. Chúng ta đã chứng kiến một số trường hợp tiêu biểu", bà nói.
Dịch cúm năm 1918, khiến 50 triệu người chết, là ví dụ điển hình cho thấy các đại dịch tấn công nối tiếp nhau, đợt sau nghiêm trọng hơn đợt trước. Những bệnh truyền nhiễm sau này như cúm năm 1957 và 1968, cũng hình thành nhiều làn sóng. Dịch cúm A/H1N1 khởi phát tháng 4/2009, sau đó lây lan lần thứ hai ở Mỹ và vùng bắc bán cầu mùa thu năm đó.
VietBF@sưu tập