Chưa có bằng chứng virus lây trực tiếp qua việc ăn thực phẩm, kể cả ăn thức ăn sống như trái cây.
Những ngày qua, khi làm sóng COVID-19 lại tiếp tục gia tăng ở TP.HCM, nhiều người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn khi mua thực phẩm, cũng như ăn uống tại chỗ.
Chị Đinh Kim Hương (Gò Vấp) lo lắng: "Dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng vì tính chất công việc, tôi vẫn phải đi ăn bên ngoài hoặc mua thực phẩm bên ngoài về ăn. Tôi rất lo lắng về việc liệu rằng ăn rau sống, hay trái cây tươi sống khi mua ở ngoài về thì có bị nhiễm COVID-19 hay không?"Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) cho biết COVID-19 là virus lây bệnh qua đường hô hấp, chứ không phải đường tiêu hóa. Mầm bệnh không nằm trong thức ăn bạn ăn vào nhưng có thể nằm trên bao bì, nằm ở phía người bạn tiếp xúc để có được phần thức ăn đó và có thể đâu đó trong quá trình bạn nhận đồ ăn.
"Do đó khả năng bạn nuốt phải virus rồi bị bệnh thông qua một ổ bánh mì, một tô bún... là không có"- BS Khanh cho biết.
Thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cũng cho thấy, chưa có bằng chứng virus lây trực tiếp qua việc ăn thực phẩm, kể cả ăn thức ăn sống như trái cây.
Virus có thể tồn tại trên bề mặt tiếp xúc của bao bì thực phẩm, các mặt phẳng khác có liên quan ví dụ tay nắm cửa, mặt bàn, mặt bếp, dao, chén, đũa… Sau đó lây cho người khác thông qua việc người đó cầm nắm vào bao bì, vật dụng và đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng của mình, chứ virus hoàn toàn không lây thông qua cơ chế dính lên thức ăn và ăn vào miệng.
Do đó, theo BS Khanh, biện pháp phòng lây nhiễm trong trường hợp liên quan đến thực phẩm là rửa tay sớm nhất có thể sau khi cầm nắm bao bì thực phẩm khi đi chợ về hay khi nhận bao bì từ người giao, sau khi tháo bao bì thực phẩm, trước khi ăn. "Nếu vẫn lo quá mức thì bạn có thể hâm lại thức ăn vì dù sao điều này cũng tốt trong việc chống lại các vi khuẩn khác"- BS Khanh nói thêm.
|