Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh; hạn chế tăng, hạ đường huyết; phòng các biến chứng như nhiễm toan ceton…
Glucose (đường) được tìm thấy trong máu, đến từ các loại thực phẩm, là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Lượng đường trong máu sẽ thay đổi trong ngày tùy thuộc vào chế độ ăn uống, tập thể dục. Ví dụ lượng đường trong máu thường tăng sau khi ăn và giảm sau khi tập thể dục.
Theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu giúp người bệnh tiểu đường tuýp một và tuýp hai kiểm soát bệnh. Khi bệnh tiểu đường được quản lý tốt, bạn sẽ ít có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Nguy cơ khi tăng hoặc hạ đường huyết
Lượng đường trong máu quá cao trong thời gian dài có thể gây nhiễm toan ceton (sản sinh quá nhiều axit trong máu). Nếu không được điều trị có thể dẫn đến hôn mê tiểu đường, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khiến người bệnh bất tỉnh.
Lượng đường trong máu cao cũng có thể dẫn hội chứng tăng thẩm thấu do tiểu đường. Với tình trạng này, máu sẽ trở nên đặc và gây mất nước nghiêm trọng, hôn mê. Hôn mê do tiểu đường cũng có thể phát triển khi người bệnh bị hạ đường huyết. Đường huyết không được theo dõi hoặc theo dõi kém có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như bệnh thận, mất thị lực, bệnh tim, đột quỵ, bệnh thần kinh tiểu đường, cắt cụt chi...
Mức độ dao động đường huyết được kiểm soát có thể giúp người bệnh tránh những tác động tiêu cực, ít có nguy cơ mắc các tình trạng nguy hiểm này hơn. Người bệnh nên ghi lại sự thay đổi về lượng đường trong máu để chia sẻ với bác sĩ và có kế hoạch điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp nếu cần.
Người bệnh kiểm tra đường huyết tại nhà. Ảnh: Freepik
Ngưỡng đường huyết trong máu an toàn
Để đo lượng đường trong máu, người bệnh có thể tự kiểm tra bằng máy đo đường huyết, thực hiện xét nghiệm HbA1c (A1C) để biết mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng qua. Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường tuýp một và tuýp hai khi dùng insulin nên theo dõi đường huyết thường xuyên.
Theo Verywell Health (Mỹ), nếu bạn bị bệnh tiểu đường tuýp một có thể cần kiểm tra đường huyết 4-10 lần một ngày như trước bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ, trước và sau khi tập thể dục, trước khi đi ngủ và đôi khi trong đêm. Người bệnh có thể cần theo dõi lượng đường huyết thường xuyên hơn nếu bị ốm hoặc có sự thay đổi trong thói quen.
Với bệnh tiểu đường tuýp hai, bạn có thể theo dõi lượng đường trong máu ít thường xuyên hơn tùy thuộc vào loại insulin đang dùng. Các thời điểm cần kiểm tra như trước bữa ăn đầu tiên trong ngày và đôi khi trước bữa tối hoặc trước khi đi ngủ. Người có thể kiểm soát bệnh tiểu đường mà không cần dùng insulin thì không cần phải kiểm tra lượng đường trong máu mỗi ngày. Nếu bạn bị tiền tiểu đường hoặc các yếu tố nguy cơ khác, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm A1C để tầm soát.
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) đưa ra các khuyến nghị tiêu chuẩn về đường huyết cho những người bệnh tiểu đường là 80-130 mg/dL trước bữa ăn và dưới 180 mg/dL sau bữa ăn 1-2 giờ. Chỉ số đường huyết có thể khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi, thời gian mắc bệnh tiểu đường và có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác hay không.
Khi mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu có thể quá thấp hoặc quá cao. Hạ đường huyết khi mức đường huyết dưới 70 mg/dL. Tăng đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu từ 100-125 mg/dL khi đói, được coi là tiền tiểu đường. Nếu đường huyết lúc đói của bạn cao hơn 125 mg/dL sẽ được chuẩn đoán bị bệnh tiểu đường.
Các yếu tố khác góp phần làm tăng lượng đường trong máu như ăn quá nhiều thức ăn chứa carbohydrate, không đủ insulin, bệnh tật, căng thẳng, mất nước... Hạ đường huyết xảy ra khi ăn không đủ carbs cho lượng isulin bạn dùng, uống rượu, dùng quá nhiều insulin, tập thể dục. Thay đổi một số yếu tố về lối sống như duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát bệnh.
Để quản lý đường huyết, người bệnh nên ăn đều đặn, không bỏ bữa; chọn thực phẩm ít calo; ăn nhiều trái cây và rau xanh; theo dõi thức ăn, đồ uống; uống nước lọc thay vì nước trái cây hoặc soda; hạn chế đồ uống có cồn; kiểm soát khẩu phần ăn...