“Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống” là câu nói từ thời xa xưa của ông cha ta. Đến ngày nay, nó vẫn còn nguyên giá trị mỗi khi trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng.
Trong xã hội phong kiến, hôn nhân không phải là việc của cá nhân đương sự mà là việc của gia đình, dòng họ. Mối quan tâm hàng đầu của họ là sự bảo tồn và phát triển dòng họ vì thế bố mẹ phải là người quyết định hạnh phúc cho con cái. Con trai mình phải có cháu trai để thờ cúng, phụng sự tổ tiên. Ai cũng muốn có trai hiền gái đảm, rể thảo dâu hiền. Khi đó họ đi “Tìm tông, tìm họ” cho con, nhưng không có nghĩa là tìm chốn sang giàu, khinh người nghèo khó, mà chủ yếu là tìm nơi có gia giáo, có đức độ.
1. Lấy vợ kén tông
Lấy vợ kén tông có ý nhắc nhở người con trai khi có tình ý cô gái nào, ngoài tìm hiểu tính cách, phẩm chất của cô gái đó thì cũng nên tìm hiểu cả tông chi họ hàng, nền tảng gia đình của cô gái ấy để đưa ra quyết định có đi tiến đến hôn nhân, về chung một nhà hay không.
Ở đây không phải xem xét nhà vợ có giàu có hay không, xem có của ăn của để, có người làm quan to hay không mà tìm hiểu họ hàng nhà vợ có nề nếp, đảm đang, chung thủy. Nhà trai cần biết rõ lai lịch nhà gái, từ nhiều đời con cái thế nào, sinh ra có bị bệnh tật, có hiếu thảo, ngoan hiền, gia cảnh nhiều đời như thế nào. Thường thì tính cách của con người bị ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường sống xung quanh, mà người con gái thời xưa chủ yếu sống quẩn quanh với bố mẹ, gia đình, ít được ra ngoài giao tiếp xã hội.
Nếu tông chi họ hàng người con gái đó đều hội đủ tứ đức và họ được nuôi dạy trong gia đình nề nếp, có đạo đức, trong dòng họ không có ai bị điều tiếng ô danh ắt sẽ trở thành người vợ chuẩn mực.
Vì thế chớ nên vội vàng hấp tấp trong việc chọn vợ mà cần nhiều thời gian tìm hiểu rồi mới đưa ra quyết định vì hôn nhân bao giờ cũng là chuyện trọng đại của cả đời.
2. Lấy chồng kén giống
“Lấy chồng kén giống” hiểu đơn giản là con gái muốn lấy chồng cần xem nòi giống nhà người con trai đó qua mấy đời có tốt không, nhà chồng nhiều đời có ai bị mắc bệnh gì hay không, tiền sử bệnh tật thế nào, thông minh khỏe mạnh hay yếu ớt ngu ngơ, cao to hay thấp bé nhẹ cân. Theo quan niệm dân gian, anh hùng luôn sản sinh ra anh hùng, máu mê cờ bạc luôn sinh ra lứa sau cờ bạc. Không phải quy chụp tất cả mọi trường hợp đều như thế, nhưng mà số đông là thế, rất ít trường hợp hi hữu có thể xảy ra, nên bao giờ người ta cũng chọn bước đi an toàn. Người con gái gả chồng phải “kén giống” để đứa con sinh ra được hưởng “giống” tốt, khỏe mạnh từ bố.
Người xưa rất coi trọng việc “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống” bởi hôn nhân là chuyện lớn nhất cuộc đời. Nếu bước sai, việc chọn lại trong xã hội thời xưa rất khó khăn bởi những hủ tục, lối mòn suy nghĩ đã ăn sâu vào máu thịt con người. Nghĩ sâu xa hơn, ông cha nói “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”, là sự nghiêm túc và cẩn trọng trong việc lựa chọn người bạn đời cũng là để đảm bảo có một cuộc sống gia đình yên ấm, hạnh phúc, tạo nền tảng tốt đẹp để nuôi dạy những đứa trẻ có phẩm chất đạo đức.
So với ngày xưa thì quan niệm hôn nhân ngày nay có nhiều điểm cởi mở hơn. Cùng với xu hướng hiện đại hoá và hội nhập với thế giới, những quan niệm cùng dần thay đổi. Việc tiến đến hôn nhân không chỉ là sự đồng ý của hai gia đình mà điều quan trọng là sự tìm hiểu, hoà hợp và quyết định của cô dâu, chú rể. Tuy nhiên có rất nhiều những cuộc kết hôn chóng vánh rồi ly hôn thần tốc. Khái niệm tình yêu mãi mãi cũng chỉ kéo dài được một vài năm rồi ai đi đường đó. Chứng kiến điều này, mỗi khi nhắc đến câu chuyện cưới hỏi, người lớn trong nhà vẫn thường lấy câu nói trên để răn dạy người trẻ. Cuộc sống gia đình vốn dĩ phức tạp và nhiều thử thách nó không còn màu hồng khi đang yêu. Vậy nên những khi xuất hiện xung đột vợ chồng thì lúc đó cần dựa vào sự gia giáo của bố mẹ, họ hàng hai bên để cư xử đúng đạo nghĩa vợ chồng.
VietBF©sưu tập