Sự xuất hiện của lỗ vành nhật hoa trên Mặt Trời vào cuối tuần trước có thể khiến Trái Đất hứng chịu cùng lúc nhiều cơn bão Mặt Trời.
Theo Space, một vụ phun trào khối vành nhật hoa (CME) trên Mặt Trời vào cuối tuần trước (7/5) có thể tạo ra các cơn bão Mặt Trời (bão địa từ) ảnh hưởng trực tiếp tới Trái Đất trong 2 ngày 10 và 11/5.
Vụ phun trào CME trên được Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) định danh là AR3296, với cấp độ vụ nổ được xác định M1.5 dựa trên thang đo của NOAA và có cường độ trung bình.
Đỉnh điểm của bão Mặt Trời sẽ ập tới Trái Đất trong ngày 10/5. Các chuyên gia dự đoán nhiều khu vực trên thế giới có khả năng hứng chịu các hoạt động địa từ từ cấp độ trung bình đến cao.
Các khu vực có thể quan sát được cực quang ở Bắc Bán Cầu sẽ rộng hơn so các cơn bão Mặt Trời từ vụ phun trào CME cuối tuần trước. (Ảnh: Space)
Bão Mặt Trời, hay bão địa từ, là sự xáo trộn đối với từ trường của Trái Đất do dòng hạt mang điện phóng ra từ các vụ phun trào CME trên Mặt Trời. Trên một số hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, nhất là các hành tinh có từ quyển, gồm: Sao Thổ, Sao Thủy, Sao Hải Vương, Sao Mộc, Sao Thiên Vương... cũng có hiện tượng tương tự.
Theo Spaceweather.com, những bức xạ liên quan đến CME này có thể đã gây ra hàng loạt sự cố mất điện vô tuyến sóng ngắn cấp độ nhỏ trên Trái Đất diễn ra vào cuối tuần trước. Ngoài ra các đợt bão Mặt Trời lần này còn tạo ra cực quang ở vĩ độ cao hơn so với thông thường và có thể quan sát được ở một số tiểu bang của Mỹ như như: Oregon, Nebraska và Virginia.
Hiện tượng cực quang này được tạo ra bởi các hạt của các cơn bão Mặt Trời, sau khi chúng gia tốc dọc theo từ trường của Trái Đất đến các vĩ độ cao hơn, và đổ xuống tầng trên của bầu khí quyển.
Tại đó, các hạt của bão Mặt Trời tương tác với vật chất trong khí quyển, tạo ra những bức màn ánh sáng lung linh trên bầu trời mà ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Mặc dù có ít tác động đến đời sống hàng ngày, song các cơn bão địa từ cường độ cao có thể gây rắc rối cho các chuyến bay vũ trụ vì chúng làm tăng mật độ trong tầng khí quyển phía trên của Trái Đất. Điều này góp phần làm tăng lực cản đối với vệ tinh và các tàu vũ trụ khác.