Lão nông không ngờ chiếc bình hình mặt người mà ông tìm được hóa ra lại là bảo vật quốc gia có niên đại hàng nghìn năm.
Vào năm 1973, một lão nông tên là Trương Đức Lộc đã tình cờ đào được một chiếc bình gốm ở huyện Tần An, thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Chiếc bình này có hình mặt người cùng nhiều hoa văn khác lạ. Điều này đã thu hút những dân làng xung quanh chạy tới xem.
Đương nhiên, những người nông dân này đều không có kỹ năng khảo cổ chuyên nghiệp. Họ cho rằng chiếc bình tuy tương đối tinh xảo nhưng giá trị không lớn. Hơn nữa, do bận công việc đồng áng nên không ai để ý đến chiếc bình này nữa.
Ông Trương tìm thấy chiếc bình có hình dáng kỳ lạ khi đang đi làm ở đồng ruộng.
Ông Trương sau đó đã mang chiếc bình về nhà rửa sạch và sử dụng nó làm chai đựng gia vị. Cứ như vậy, chiếc bình kỳ lạ này đã ở trong bếp nhà ông Trương suốt mấy 5 năm. Trong quá trình sử dụng, ông Trương và gia đình cũng không thấy có điều gì lạ xảy ra. Chiếc bình giống như đồ vật thông thường.
Một ngày nọ, có một đoàn khảo cổ đã đến huyện Tần An để điều tra. Họ cho rằng đây là một địa điểm văn hóa quan trọng ở tỉnh Cam Túc, bởi di tích văn hóa đã tồn tại từ lâu và nhiều di vật đã bị phân tán nhiều nơi.
Lúc bấy giờ, việc các cá nhân tự ý cất giữ di vật văn hóa là vi phạm pháp luật. Do đó, nếu phát hiện có di vật văn hóa, người dân phải báo cáo ngay với cơ quan chức năng có liên quan.
Việc đoàn khảo cổ đi điều tra, khảo sát đã gây ra "một sự chấn động" đối với ngôi làng nhỏ trên núi, nơi ông Trương ở vào thời điểm đó.
Ông Trương đã đưa chiếc bình mà ông đào được cho các chuyên gia xem xét một cách cẩn thận. Đây là bình gốm cao khoảng 31,8 cm, đường kính 4,5 cm và đường kính đáy là 6,8 cm.
Sau khi kiểm tra, các chuyên gia phát hiện ra chiếc bình này hóa ra là bảo vật quốc gia. Do đó, họ đã bàn bạc và cuối cùng lấy một chiếc chậu rửa mặt bằng nhựa để đổi lấy bảo vật từ tay ông Trương Đức Lộc.
Một số người cho rằng giá trị của chiếc chậu bằng nhựa rất rẻ tiền, hoàn toàn không thể so sánh với di vật văn hóa. Việc trao đổi này không ngang giá và ông Trương, người tìm thấy bảo vật, đã chịu thiệt thòi. Tuy nhiên, một số khác nhận định, ông Trương cũng như những người dân làng vào thời điểm đó đều đồng ý với cuộc trao đổi này. Do đó, điều này không thể coi là lừa gạt hay không công bằng.
Trên thực tế, vào thời điểm đó, ông Trương Đức Lộc và nhiều người dân trong ngôi làng nhỏ ở huyện Tần An đều không biết giá trị và tầm quan trọng của các di vật văn hóa. Thậm chí, người dân ở vùng này còn có một số kiêng kỵ đối với bình gốm. Cụ thể, sau khi nhặt được bình gốm, nếu thấy đẹp mắt thì họ mang về nhà, còn không đẹp thì sẽ đập bỏ. Ngoài ra, một số khác thì mang những chiếc bình gốm tìm được về nhà để sử dụng làm ống khói.
Theo các chuyên gia, chiếc bình gốm mà ông Trương tìm thấy có niên đại khoảng 5.000 năm, khi đồ gốm vẫn còn chưa phổ biến. Do đó, chiếc bình này rất có giá trị nghiên cứu. Ngoài ra, hoa văn trên chiếc bình cũng rất tinh xảo và có thể mở ra một số bí ẩn chưa có lời giải.
Công dụng của chiếc bình kỳ lạ là gì?
Với vẻ ngoài phức tạp và được chế tác tinh xảo, công dụng của chiếc bình này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Vậy, bảo vật 5.000 năm dùng để làm gì? Bởi nếu nó chỉ là một vật dụng hàng ngày vào thời điểm đó thì đây thực sự là một bảo vật hiếm có vì nó có vẻ ngoài phức tạp và tinh xảo.
Các chuyên gia cho rằng, cách trang trí tinh tế trên chiếc bình có hình mặt người có thể tiết lộ đây là một vật trang trí, đồng thời vừa là vật dụng có giá trị nghệ thuật vào thời bấy giờ.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia còn suy luận rằng chiếc bình gốm này cũng có thể được dùng để hiến tế. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về mục đích sử dụng, nhưng chiếc bình này vẫn là minh chứng cho thấy sự khéo léo của những người thợ cách đây 5.000 năm.
Vào thời điểm đó, làm đồ gốm là việc không hề dễ dàng. Do đó, chiếc bình cổ này có thể được coi một kiệt tác đồ gốm và xứng đáng là bảo vật quốc gia. Chiếc bình gốm khoảng 5.000 năm tuổi hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Cam Túc (Trung Quốc).
VietBF@ Sưu tập