Ăn nhiều khoai tây chiên, rượu bia, chocolate có thể ức chế cơ thể hấp thụ canxi, giảm mật độ khoáng của xương.
Ở tuổi 20-30, quá trình tạo xương bắt đầu chậm lại. Theo thời gian, xương trở nên giòn, xốp, dễ gãy. Chế độ ăn không hấp thụ đủ canxi có thể đẩy nhanh quá trình mất xương. Dưới đây là những thực phẩm bạn nên lưu ý.
Khoai tây chiên
Năm 2021, các nhà khoa học Đại học Hebrew (Israel) tìm thấy mối liên hệ giữa thực phẩm chế biến sẵn và giảm chất lượng xương ở chuột. Một nhóm chuột ăn chế độ có kiểm soát, nhóm khác dùng đồ ăn vặt như khoai tây chiên. Sau 6 tuần, xương của nhóm chuột ăn đồ ăn vặt yếu hơn.
Đồ ăn vặt được chế biến sẵn chứa nhiều chất béo, carb, nitrat (muối). Theo giáo sư, tiến sĩ Monsonego-Ornan, tác giả nghiên cứu, ngay cả khi giảm những thành phần này thì đồ vặt cũng có thể gây hại xương.
Ăn nhiều khoai tây chiên không tốt cho sức khỏe. Ảnh: Freepik
Thịt đỏ
Theo nghiên cứu năm 2021 của Đại học Pennsylvania (Mỹ), tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm từ động vật như bít tết, sườn, thịt chế biến sẵn có thể tác động vào quá trình mất xương. Người có nguy cơ loãng xương chỉ nên ăn thịt đỏ hai lần một tuần, với khẩu phần nhỏ (khoảng 110-170 g).
Đồ uống có ga
Đồ uống có ga chứa một lượng lớn phốt pho, có thể làm mất cân bằng canxi và natri trong cơ thể. Uống nhiều nước ngọt dẫn đến thiếu canxi trầm trọng, lâu dài gây bệnh loãng xương.
Rau cải bó xôi
Rau lá xanh giàu chất oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, cải bó xôi chứa lượng lớn oxalate, có thể ngăn cản cơ thể hấp thụ canxi. Người bị loãng xương hoặc cần tăng lượng canxi nên hạn chế rau này. Để có được lợi ích và ngăn loãng xương, bạn có thể kết hợp cải bó xôi với thực phẩm dễ hấp thụ canxi như phô mai.
Chocolate
Chocolate chứa nhiều chất chống oxy hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, não. Nghiên cứu năm 2008 của Đại học Western Australia (Australia) trên 1.000 phụ nữ cho thấy, phụ nữ thường xuyên ăn chocolate có thể bị yếu xương. Nguyên nhân là do chocolate cũng chứa oxalate, chất ức chế hấp thu canxi.
Rượu, bia
Uống nhiều rượu, bia góp phần làm giảm khối lượng và quá trình hình thành xương, tăng tỷ lệ gãy xương, chậm hồi phục.
Đại học Sahmyook (Hàn Quốc) đã thực hiện nghiên cứu năm 2015, trên 1.170 phụ nữ, 19-30 tuổi. Kết quả cho thấy phụ nữ uống nhiều rượu có mật độ xương thấp hơn so với người không uống. Tổ chức Loãng xương Quốc gia Mỹ khuyến nghị uống không quá 2-3 ly rượu mỗi ngày.