Nhà nào cũng có ít nhất một cái thớt. Dụng cụ này cũng có nhiều phiên bản với các thiết kế, hình dáng và chất liệu khác nhau. Có những chiếc thớt được chạm trổ hay chế tác bằng các chất liệu quý nên có giá thành rất cao. Nhìn chung, chúng có một công dụng duy nhất là làm mặt đế để cắt, thái đồ ăn. Thớt phổ biến đến vậy nên rất nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi biết bao lâu này mình vẫn chưa sử dụng đúng cách.
Bạn có thể nhận ra rằng phần lớn những chiếc thớt đều có một lỗ khá lớn gần ngoài rìa. Thông thường, phần lớn mọi người đều nghĩ rằng chiếc lỗ dùng để treo lên giá hay tường hoặc dùng để cầm nắm dễ dàng. Thế nhưng, trên thực tế cấu tạo đặc biệt này ra đời lại phục vụ cho một mục đích hoàn toàn khác.
Bình thường, khi thái đồ ăn, đặc biệt là khi thái thành những miếng nhỏ, bạn sẽ ít nhiều gặp khó khăn khi dồn thành phẩm vào bát hay đĩa.
Thực phẩm dễ rơi rớt ra ngoài và bạn sẽ phải rửa lại, nhặt lại vô cùng mất thời gian. Nếu bốc tay, nhất là với những đồ ăn chín thì khả năng nhiễm khuẩn từ tay lại vô cùng cao, chưa kể mất vệ sinh nữa.
Cách làm đúng là bạn dùng dao vừa thái xong, dồn đồ ăn qua chiếc lỗ để chúng rơi xuống khay hay bát đĩa phía dưới một cách dễ dàng. Phương pháp này áp dụng với những loại thực phẩm được thái hạt lựu hay thịt băm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng lỗ nhỏ này để gạt những mẩu vụn, vỏ và các mảnh thừa khi sơ chế rau củ xuống phía thùng rác bên dưới.
Ngoài ra, khi dùng thớt, bạn cũng cần coi trọng một số lưu ý khác như:
Khi nào nên thay thớt mới?
Các chuyên gia khuyến cáo, khi bề mặt thớt xuất hiện những vết xước sâu là nơi cho vi khuẩn ẩn náu, khiến việc vệ sinh trở nên khó khăn, tốt nhất bạn nên bỏ nó đi và thay bằng thớt mới.
Chuyên trang về các dụng cụ bếp, Kitchen Seer đưa ra các mốc thời gian cụ thể để thay thế thớt. Với thớt nhựa, bạn nên thay 1-5 năm một lần. Thớt gỗ có thể là 2-5 năm một lần, bởi thớt gỗ bền hơn nếu bạn chăm sóc đúng cách.
Dùng thớt đúng cách
Phân loại thớt khi chế biến: Sử dụng thớt riêng cho thịt sống và rau, thực phẩm ăn liền. Hãy đảm bảo rằng bạn không bị lẫn lộn các thớt với nhau. Để phân biệt, bạn có thể đánh dấu hoặc mua những chiếc thớt có màu sắc, hình dáng, kích cỡ khác nhau.
Khử trùng thớt: Nếu chỉ rửa bằng nước, thớt sẽ không thực sự sạch và hợp vệ sinh được. Hãy khử trùng bằng nước sôi hoặc nước muối, rửa lại bằng nước sạch và lau khô bằng khăn giấy (không phải khăn mềm).
Không dùng khăn để lau: Bạn nghĩ mình đang làm sạch thớt bằng cách dùng khăn lau những mẩu thức ăn trên đó? Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khăn lau bếp thường là thứ bẩn nhất trong nhà bạn. Nếu bạn cần lau thớt để chuẩn bị làm thịt hoặc rau sống thì đừng sử dụng khăn vải. Vi khuẩn từ thực phẩm sẽ làm bẩn vải và sau đó lây lan xung quanh bếp khi bạn lau bề mặt các vật dụng tiếp theo.
|